Rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ

Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ việc phòng ngừa bệnh bằng cách điều chỉnh lối sống.
Ảnh minh họa: Internet

Bắt đầu từ tuổi dậy thì, tỉ lệ mắc chứng mất ngủ ở phụ nữ khác với nam giới. Ở tuổi dậy thì, tỉ lệ mất ngủ cho các cô gái gần như gấp 3 lần các cậu con trai. Phụ nữ có nguy cơ phát triển chứng mất ngủ cao hơn 41% so với nam giới, và nguy cơ này tăng theo tuổi. Ở độ tuổi 65 tuổi, nguy cơ mất ngủ đối với phụ nữ là khoảng 73%.

Nguyên nhân

Thay đổi nội tiết tố:

Các hoóc-môn giới tính ảnh hưởng đến sóng điện não khi ngủ trong giai đoạn hoàng thể bằng cách tăng tần số sóng điện não và tăng nhiệt độ cơ thể. Tình trạng thiếu estrogen từ tuổi tiền mãn kinh góp phần vào các triệu chứng vận mạch, trong đó có cơn nóng bừng gây rối loạn giấc ngủ và mất ngủ. Giảm estrogen cũng đóng một vai trò trong nguyên nhân của chứng ngưng thở khi ngủ.

Các vấn đề tâm lý xã hội:

Trong xã hội ngày nay, phụ nữ đang khẳng định mình thông qua vai trò trong xã hội và trong gia đình. Chính vì điều đó, phụ nữ có ít thời gian hơn cho bản thân, họ thường có ít thời gian để ngủ. Bên cạnh vấn đề thiếu ngủ, những căng thẳng và áp lực từ công việc, gia đình cũng sẽ là yếu tố liên quan đến mất ngủ.

Rối loạn tâm lý:

Rối loạn tâm lý thường được phổ biến ở phụ nữ hơn ở nam giới, ví dụ, rối loạn tâm lý - cảm xúc trước hành kinh, rối loạn tâm lý lúc mang thai, trầm cảm sau sinh, rối loạn tâm lý thời kỳ mãn kinh. Trong các rối loạn đó, rối loạn lo âu thường có liên quan đến việc khó khăn để bắt đầu giấc ngủ, còn trầm cảm thường liên quan đến việc thức giấc sớm.

Tuổi:

Tần suất và mức độ nghiêm trọng của rối loạn giấc ngủ thì tăng theo tuổi tác.

Biến chứng

Bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài có xu hướng có những vấn đề về tâm lý và bệnh lý bao gồm cả các hệ thống tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và cơ xương khớp…

Tăng cân:

Trong thập kỷ qua, các nghiên cứu đã tập trung vào mối liên hệ giữa giảm giấc ngủ và tăng cân ở người khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy giảm thời gian ngủ là một yếu tố nguy cơ tăng cân và béo phì. Một vài cơ chế đã được đề xuất để giải thích cho nguy cơ này. Thiếu ngủ gây ra mệt mỏi, từ đó dẫn đến giảm hoạt động thể chất vào ban ngày hoặc thời gian ngủ ngắn hơn cho phép thêm thời gian để tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn. Ngoài ra có giả thiết cho rằng rối loạn giấc ngủ làm giảm tiết hoóc-môn ức chế sự thèm ăn, chính vì vậy gây thèm ăn nhiều hơn.

Vấn đề tâm lý:

Ngủ kém dẫn đến những rối loạn về tâm lý, bao gồm cả trầm cảm và cáu gắt. Ở cùng một mức độ rối loạn giấc ngủ, nữ giới bị những rối loạn tâm lý này cao hơn ở nam giới.

Bệnh tim và bệnh đái tháo đường:

Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng ngủ kém làm gia tăng interleukin 6 và protein C- creative, đây là hai chỉ dấu sinh học làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (hội chứng liên quan đến tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…).

Phương pháp phòng ngừa

- Hãy thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

- Đi ngủ khi buồn ngủ.

- Thiết lập một thói quen thư giãn, chẳng hạn như đọc sách hoặc nghe nhạc.

- Tránh ăn nhiều hoặc tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine trong vòng 5 - 6 giờ trước khi đi ngủ.

- Tránh hút thuốc gần giờ đi ngủ, tránh uống thuốc ngủ trong thời gian dài hơn vài tuần, cẩn thận không uống rượu trong khi dùng thuốc ngủ.

- Duy trì một lịch trình hàng ngày điều độ bao gồm tập thể dục, thời gian làm việc, thời gian thư giãn và các bữa ăn, tránh các bài tập vất vả trong vòng 6 giờ trước khi đi ngủ.

BS. Phan Thị Mỹ Sương

Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM

Theo Theo Sức khỏe đời sống