> Những người mở con đường huyền thoại thứ tư
> Mẹ vẫn mải miết vẽ chân dung các Mẹ
Hoa trên đá sỏi
56 tuổi, khuôn mặt gầy, dáng người nhỏ thó nhưng đôi mắt luôn mở to và sáng, chị cười: “Ngó vậy mà đã 35 năm rồi. Từ lúc lên đây cuộc sống thiếu thốn chật vật lắm. Nhưng không hiểu sao mình thấy yêu thương và gắn bó với miền đất này lạ kỳ. Quê hương thứ hai này mình đã có tất cả, những vui buồn, hi vọng và nhiệt huyết tuổi thanh xuân”. Giữa tuổi 20 hừng hực nhựa sống, cô gái miền sông nước Hội An Lữ Thị Hiến tình nguyện lên nông trường chè Quyết Thắng (Đông Giang - Quảng Nam) theo tiếng gọi dựng xây đất nước.
Trước đó, cô gái trẻ có mối tình đầu không suôn sẻ. Năm 1989, Hiến kết hôn với một thanh niên trẻ. Đám cưới diễn ra đơn giản với nước chè xanh và bánh kẹo. Đứa con trai ra đời, hạnh phúc tưởng như đã đến với cô gái trẻ. Nhưng cuộc sống thiếu thốn nơi rừng núi đã cướp đi đứa con trai sau một cơn sốt nặng. Ký vào lá đơn ly hôn người chồng đưa ra, đời chị lại thêm một dấu lặng.
Thời gian trôi thầm lặng. Bản năng làm mẹ càng trỗi dậy với những người phụ nữ một mình nơi núi rừng hun hút. Chị cũng ao ước có một đứa con để san sẻ tình thương và nương tựa sau này. Đứa con trai thứ hai ra đời, mang họ mẹ, chị xem như một bảo bối. Những ngày đó đói kém, chỉ ăn sắn, ăn khoai nhưng chị quyết không để con mình đói, thiếu chữ. “Ngày con vào đại học, may thay vay bên Hội phụ nữ được một con bò rồi nuôi đẻ. Trả hết nợ rồi còn sinh lời được 4 con, vừa rồi mới bán một con cho thằng Nguyên đi thực tập đó”, chị cười vui.
Chị kể về cục cưng của mình. Nhưng khi nhắc về người cha của đứa bé, ánh mắt chị nhìn xa xăm, mọng buồn: “Thời đó thanh niên làng thì ít nên ai cũng chỉ muốn có một đứa con cho đỡ cô quạnh và nương tựa tuổi già. Ngay từ khi sinh ra, ba nó đã không tồn tại”. Thấu hiểu nỗi đau của mẹ, Lữ Hoàng Nguyên luôn cố gắng làm mẹ vui. “Ngày 8-3 năm nào nó cũng mua quà, đi đâu cũng gọi điện về thăm mẹ. Nó cho tôi quá nhiều niềm vui. Nghĩ cuộc đời cũng không quá bất công” - Chị Hiến kể.
Nghỉ chế độ hơn chục năm nay, nhưng cái duyên với đồi chè vẫn không thể rũ bỏ. Ngày nào chị cũng dậy thật sớm, xách giỏ lên đồi chè. Nhìn cái màu xanh ngắt, bạt ngàn của chè như để tiếp thêm nhựa sống.
Còn với chị Nguyễn Thị Chạy (thôn 6, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam), cái duyên với vùng đồi núi này lại đến sau một chuyến đi chơi xa.
“Khi ấy mới 21 tuổi, bị lôi cuốn bởi cái màu xanh mướt của đồi chè nên liền xin làm công nhân cho nông trường chè Quyết Thắng”.
Bốn năm sau, chị một mình vượt cạn, vượt qua cả những lời đàm tiếu của thiên hạ, dành hết tình yêu thương cho cậu con trai. Tình yêu thương đó cũng được đáp đền, cậu con trai lớn lên trong nghèo khó giờ là lái xe, lấy vợ và sinh cho chị một đứa cháu bụ bẫm.
Chị nói: “Với tôi, cuộc đời như vậy đã quá ý nghĩa rồi, có quá khứ để mình nhìn lại và nghĩ tới tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu”.
Đâu cũng là đất mẹ
"Họ là những đóa hoa rừng nở trên đá sỏi. Những gì họ trải qua, vươn lên và đạt được là điều không dễ dàng, là tấm gương sáng để chúng ta soi vào và sống tốt hơn” - Ông Võ Tấn An (Đội trưởng đội sản xuất số 5, Nông trường Chè Quyết Thắng)
Sau nhiều lần vòng xe tìm gặp, 12 giờ trưa, tôi mới bắt gặp chị đang cặp rổ đi về. “Bữa ni nghỉ làm chè rồi, tôi chuyển sang nghề đi mót vàng. Cực lắm, đi miết đến vài chục cây số đường đồi, có khi còn về không”, chị Nguyễn Thị Tấn (thôn 6, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) tâm sự.
Là một trong những nữ thanh niên xung phong lên đây lập nghiệp ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, người con gái Hội An vốn yếu đuối giờ đây dường như đã chai lì với cái khó, cái khổ.
Chị nói: “Tôi có thể chịu mọi thiệt thòi, thiếu thốn nhưng không thể để ai bắt nạt con mình. Vì hạnh phúc của con, tôi có thể làm tất cả”. 25 tuổi, chị quyết định lên núi lập nghiệp cùng với một nhóm bạn. Không chịu nổi cảnh thiếu thốn mọi bề, nhất là tình yêu đôi lứa ở cái tuổi xuân thì, những người bạn cuối cùng về xuôi “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Năm 32 tuổi, chị mang bầu đứa con ngoài giá thú, chấp nhận vượt qua những lời đồn thổi, tai tiếng, mặc cảm và cả kiểm điểm của đơn vị.
“Nếu không là người mạnh mẽ, mình đã không giữ nổi đứa con tội nghiệp này rồi. Bao nhiêu ức chế, áp lực từ sau khi sinh con”. Mức lương 125 đồng/tháng còn khó nuôi mình, huống chi nuôi thêm con nhỏ. Nhưng nghĩ khó khăn vật chất mấy mình cũng chịu được, chứ sống mà không biết yêu thương, không có được đứa con để san sẻ thì còn khổ gấp ngàn lần”.
Hỏi chị có nhớ quê, nhớ nhà, chị cười: “Nhà tôi ở đây, con tôi ở đây. Quê hương thứ hai của tôi là đây rồi”. Rồi hớn hở: “Tháng 8 này thằng Trọng được xuất ngũ, mẹ con lại sum vầy. Nó lại cưới vợ, sinh con. Đã là duyên phận rồi thì cứ cố gắng sống hết lòng đi, đâu cũng là đất mẹ”.
Chồi xanh vẫn nở
Người dân khắp nẻo vẫn truyền nhau câu chuyện vượt khó vươn lên của ba chị em mang họ mẹ Nguyễn Bích Khuyên, Nguyễn Phương Nhàn, Nguyễn Minh Nhân (thôn 2, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) ba tấm gương sáng về học tập và hiếu thảo. Người dân còn ngầm ý khâm phục người mẹ một tay dựng nghiệp, nuôi con khôn lớn, thành tài.
Ngay từ khi chào đời, cả ba không biết cha ruột là ai. Đến tuổi hay biết mọi chuyện, ba chị em không mặc cảm và càng thấy thương mẹ nên luôn cố gắng học tập thật tốt. “Niềm vui lớn nhất của tôi là những khi con đi học về, chạy ôm lấy mẹ khoe hôm nay con lại được điểm 10”, chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ. Và cứ thế, niềm vui nhân lên khi lần lượt những đứa con vào đại học.
Chị tâm sự: “Có lẽ sinh ra trong hoàn cảnh như vậy nên cả ba chị em đều rất tự giác. Bước chân vào cổng trường đại học là lên cho mình một lịch trình học và làm thêm. Chị em biết tự trang trải cho cuộc sống và dìu dắt nhau đi lên nên tui cũng đỡ được nhiều lắm”.
Căn nhà khang trang của bốn mẹ con nằm ngay trên huyện lộ. Mỗi dịp xuân về, hè đến cả nhà lại rộn ràng vui vẻ. Phía trước nhà nhìn ra đồi chè xanh tít tắp, những chồi xanh thay nhau nở từ mùa này sang mùa khác…