Lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội
Ngày 26/4, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Trung Hiển xác nhận, Thông báo số 1107 đăng tải trên mạng xã hội là văn bản do ông ký, trong đó có nội dung di dời Cụm công nghiệp Tân An ra khỏi dân cư.
“Thành phố và các huyện, thị xã đang làm quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó TP.Buôn Ma Thuột đang hướng đến là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Về lâu dài cần phải tính toán xem khu công nghiệp để giữa lòng thành phố có phù hợp không? Nếu không, phải tính đến phương án quy hoạch và phải có những bước đi cụ thể, có lộ trình, di dời đến đâu, khi nào…? Việc quy hoạch này còn phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt“, ông Hiển cho hay.
Trước thông tin do thông báo này lộ và được chia sẻ trên mạng xã hội facebook khiến cho giá đất ở khu vực này “nhảy múa”, ông Hiển cho rằng, đây không phải là văn bản mật, hơn nữa là chủ trương về quy hoạch phải công khai, minh bạch.
Theo tìm hiểu của PV, vừa qua, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất về mặt chủ trương di dời Cụm Công nghiệp Tân An ra khỏi trung tâm TP.Buôn Ma Thuột. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo UBND TP.Buôn Ma Thuột phối hợp với đơn vị tư vấn, Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland nghiên cứu, triển khai thực hiện các thủ tục để đưa vào quy hoạch chung của thành phố.
Sau đó, nội dung của buổi làm việc này đã được Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cụ thể hóa tại thông báo số 1107.
Một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, vừa qua, Tỉnh ủy đã giao cho TP.Buôn Ma Thuột và nhà quy hoạch (một công ty tư vấn nước ngoài) tính toán liên quan đến quy hoạch thành phố. “Trong tương lai, có thể mở rộng TP.Buôn Ma Thuột và phải sáp nhập một số khu vực lân cận. Khi đó Cụm công nghiệp Tân An đặt ngay giữa lòng thành phố cần phải tính toán di dời”, vị này này cho hay.
Giá đất thôn buôn tăng đột biến
Vừa qua, tại Đắk Lắk rò rỉ thông tin các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư các dự án bất động sản, sân golf, khu nghỉ dưỡng… khiến đất ở khu vực vùng ven TP.Buôn Ma Thuột tăng giá “chóng mặt”. Có thể kể đến ở các xã Ea Tul, Hòa Thắng, Hòa Phú, Hòa Xuân và xã Ea Kao thuộc TP.Buôn Ma Thuột, xã Cư Suê và xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar, giáp TP.Buôn Ma Thuột)…
Đơn cử, buôn Aring, xã Cuôr Đăng có hồ Ea Nhái, nơi đang được đồn đoán, có một tập đoàn kinh tế lớn sắp đầu tư dự án “khủng”. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, giá đất nông nghiệp tại buôn này tăng chóng mặt. “Những năm trước, mỗi hec-ta đất rẫy (đất nông nghiệp) giá khoảng 300 triệu đồng, nay 1 sào có thể lên đến hàng tỷ đồng, tùy vị trí. Người dân chỉ cần rao bán, lập tức có nhiều người đến mua ngay, rồi phân lô, tách thửa”, anh Y.K.L (SN 1983, trú tại buôn Aring) cho hay.
Hồ Ea Nhái còn có diện tích bao trùm lên địa phận huyện Krông Pắk. Theo người dân địa phương, giá mỗi héc-ta đất nông nghiệp trước đây giao động từ 600-700 triệu đồng nay bị đẩy lên 2-3 tỷ đồng. Những vị trí gần hồ, giá đất tăng cao hơn 10 lần.
Ngoài ra, gần đây trên mạng xã hội facebook lan truyền công văn số 2127 (ngày 18/3) của UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý để Cty Cổ phần cà phê Ea Pốk tài trợ kinh phí lập quy hoạch khu dân cư rộng rộng 56,7 hec-ta tại xã Cư Suê, huyện Cư M'gar. Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ, khiến giá đất tăng cao.
Tương tự, thông tin Liên danh Cty TNHH Bình Minh và Cty Cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô INCOLAND khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án Khu dân cư, du lịch và nghỉ dưỡng trong phạm vi khoảng 68 héc-ta tại khu vực ven hồ Ea Cuôr Kắp, xã Hòa Thắng cũng làm giá đất nơi đây “chao đảo”.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk thừa nhận, có một số bộ phận đầu cơ đất, thổi giá cao bất thường. Việc này sẽ dính hệ lụy về sau. “Khi nhà nước thu hồi đất (ở khu vực đồn đoán có dự án-PV) sẽ rất khó khăn, do giá đất bồi thường theo quy định sẽ thấp hơn nhiều so với giá đất biến động”, vị này cho hay.