Chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với các địa phương mới đây, Thủ tướng yêu cầu cắt giảm các điều kiện kinh doanh vô lý, ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới “núp bóng” ở thể chế, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Tuấn cho hay, chỉ đạo của Thủ tướng là đến 31/10 năm nay, các bộ ngành phải hoàn thành việc cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh hiện có. Tuy nhiên, hiện chỉ Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cắt giảm, các Bộ NN&PTNT, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp (DN). Như vậy, còn nhiều bộ, ngành khác còn chậm so với tiến độ.
Theo ông Tuấn, một số DN phản ánh, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ ngành còn mang tính đối phó. “Tuy nhiên, ở đây, việc cắt giảm phải thực chất, mang lại lợi ích cho DN, môi trường kinh doanh, chứ không nên chạy theo con số. Mục tiêu là thay đổi phương thức quản lý, như chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các điều kiện nào không rõ ràng, mù mờ thì phải xác định rõ để cắt giảm tối đa”- ông Tuấn nói.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, để việc cắt giảm thực chất, đòi hỏi phải công khai, tham vấn, đối thoại rộng rãi lấy ý kiến của DN, hiệp hội, VCCI và tổ chức nghiên cứu độc lập. Từ đó, DN sẽ hiến kế nên cắt giảm thủ tục nào, điều kiện nào còn phiền hà, không có ý nghĩa thực tế, không phù hợp quy định quốc tế… có thể loại bỏ.
“Vừa rồi, VCCI cũng mới chỉ hợp tác với 5-6 bộ để lấy ý kiến về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nhiều bộ cũng chỉ đưa ra mang tính đối phó”- ông Tuấn nói.