Nền tảng giáo dục số - iGiaoduc.vn - là sản phẩm hợp tác giữa Bộ GD&ĐT, Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các đối tác tài trợ, hỗ trợ với mục tiêu ban đầu là tạo ra một nền tảng Kho học liệu số trực tuyến nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường; cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến; đồng thời giúp nâng cao năng lực số cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hệu quả. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.
Đến nay, Dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36.00 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng kho học liệu số trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong thời gian tới. Với những bài giảng e-learning sinh động, học sinh ở những khu vực còn khó khăn ở miền núi, hải đảo có thể được học những bài giảng trên Internet của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền trong cả nước.
Còn Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam – bktt.vn, hiện nay nay cấu trúc vĩ mô của Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được xác định với trên 60.000 mục từ. Cấu trúc vi mô của từng loại mục từ cũng đã được quy định rất chặt chẽ, theo các quy định của Đề án về nội dung và hình thức. Khoảng 3.000 nhà khoa học thuộc gần 70 ngành khoa học đang tham gia biên soạn.
Với Bản đồ chung sống an toàn COVID (antoancovid.vn), từ kinh nghiệm chống dịch COVID-19, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì việc chung tay chống dịch của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Để cụ thể hóa việc này và ứng dụng các công nghệ số hóa, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế cùng đề án Tri thức Việt số hóa ra mắt Bản đồ chung sống an toàn Covid: AntoanCovid.vn. Hệ thống bao gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn) để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.
Tại Chương trình này, thông qua nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ GD&ĐT chính thức phát động Chiến dịch “Kết nối tương lai” quyên góp máy tính bảng và điện thoại thông minh cũ còn sử dụng được để giúp đỡ cho các em học sinh miền núi 2 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.
“Kết nối triệu con tim” đánh dấu thời khắc quan trọng khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo 7 đơn vị gồm Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt NamNgân hàng Quân đội, Viện hàn lâm, VNPost, FPT thực hiện nghi lễ phát động giai đoạn 2 của iNhandao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ đây là đề án hoàn toàn không được hỗ trợ ngân sách, nhưng đã được gieo mầm từ những tấm lòng nhiệt huyết, rồi lớn lên thành cây cho quả là hàng triệu con tim, hàng triệu khối óc, hàng triệu bàn tay như nền tảng số iNhandao hôm nay. Ông mong muốn các nền tảng số khác như giáo dục, sức khỏe, bách khoa toàn thư…trong thời gian tới cũng sẽ được cả nước chung tay đồng lòng tham gia như iNhandao vì mục tiêu nâng tầm trí tuệ Việt Nam.
Ông cũng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn) để cùng chung tay, góp sức sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn, đóng góp nguồn lực dưới mọi hình thức, giúp đất nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, góp phần lan tỏa những giá trị nhân đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tất cả đã đang và sẽ kết nối các trái tim, khối óc nhiệt vì cộng đồng và dân tộc Việt Nam.
Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Đúng 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 01/01/2018, tại Hà Nội, Đề án đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với thông điệp “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng – Vì tương lai Việt Nam”.
Mục tiêu của Đề án là nhằm xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức trong các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, văn hóa… nhằm tạo điều kiện cho học tập, làm chủ tri thức, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng AI và BigData phục vụ cho cộng đồng và xã hội.