Sáng 11/11, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ra mắt Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng (Danang Circular Economy Hub) và khởi động chương trình Biệt đội xanh.
Kinh tế tuyến tính truyền thống (Linear economy) thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên (Take), đến Sản xuất (Make), Tiêu dùng (Use) và cuối cùng là Thải loại (Dispose).
Cách vận hành như vậy khiến tài nguyên liên tục bị khai thác và khối lượng chất thải ra môi trường gia tăng. Ước tính từ nay đến năm 2050, tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị trên toàn thế giới sẽ tăng thêm khoảng 70%. Đặc biệt trong đó, khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể nhiều hơn tổng khối lượng cá trên các đại dương.
Năm 2016, lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam là 11,6 triệu tấn (trung bình 0.33kg/người/ngày), con số này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức khoảng 22 triệu tấn vào năm 2050.
Đặc biệt, mặc dù chỉ đứng thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 về dân số nhưng lượng rác thải nhựa ra biển của Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới, với hơn 1,83 triệu tấn/năm.
Theo ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng, điều này thúc đẩy con người cần phải thay đổi mô hình phát triển và Kinh tế tuần hoàn được xem là cách tốt nhất để vừa thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà vẫn giảm khai thác tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường.
“Nhận thấy sự cần thiết của việc huy động cộng đồng và tìm ra các giải pháp đồng bộ trong các hoạt động vì môi trường, trên tinh thần thử nghiệm sáng tạo xã hội, Đà Nẵng nói chung, đặc biệt là DNES nói riêng rất hoan nghênh việc hợp tác với UNDP nhằm xây dựng Mạng lưới về kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng.
Đây sẽ là nơi hỗ trợ các dự án sáng tạo vì môi trường, nhằm thúc đẩy cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn tại Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung; thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực Miền Trung”, ông Khương cho hay.
Bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết: tại Đà Nẵng, mỗi ngày, có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn được phát sinh và con số này được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 4-5 năm. Khoảng 90% chất thải này được đổ vào bãi rác, gây gánh nặng lớn cho quy hoạch của thành phố, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân địa phương.
“Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng sẽ tập trung vào con người và xây dựng nguồn lực cho sự phát triển bền vững và thực hành kinh tế tuần hoàn tại khu vực Miền Trung, cũng như phát triển hệ thống quản lý chất thải rắn hiện tại và tuyên truyền cho tiêu dùng xanh”, bà Sitara nói thêm.
Sau Lễ Ra Mắt kết thúc, Mạng lưới ngay lập tức được “kích hoạt” bằng Chương trình Biệt Đội Xanh cùng Khoá tập huấn (Bootcamp) nhằm tuyển chọn những “sứ giả” môi trường gia nhập Green Avenger (Biệt Đội Xanh).
Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong khuôn khổ dự án Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng. Qua sự kiện này, những thành viên từ các tổ chức vì môi trường hoặc đang ấp ủ những ý tưởng, dự án tạo tác động xã hội có thể kết nối và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng nhau. Đồng thời, các thành viên sẽ được tư vấn chuyên môn, trang bị năng lực lãnh đạo, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ kinh phí để cùng nhau khởi tạo các ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng.