Quy trình hành hình bằng thuốc độc

TP - Nhiều người thi hành án cùng bơm thuốc độc, nhưng chỉ một trong số họ thực sự bơm hóa chất chết người. Không ai biết người nào thực sự bơm chất độc vào tử tù.

> Giảm áp lực cho tử tù và người thực thi 

Trong 24 giờ cuối cùng trước khi bị tiêm thuốc độc, một tử tù có thể được nhiều người vào thăm, trong đó có người thân, bạn bè, luật sư hoặc linh mục để trấn an tinh thần.

Trước khi bị hành quyết, phạm nhân được ăn bữa cuối cùng theo yêu cầu. Ở nhiều nước, quản giáo và linh mục được chỉ định đến thăm tù nhân và ở lại cho tới cuối buổi hành hình. Nhân chứng cũng được đến, nhưng không được nói chuyện, trao đổi với tử tù.

Ở một số bang của Mỹ, tù nhân được tắm rửa và cung cấp quần áo mới. Ở một số bang khác, tù nhân phải cởi bỏ tất cả quần áo ngoài. Tù nhân được theo dõi bằng thiết bị chuyên dụng để biết khi nào tim ngừng đập và đã chết.

Trong một số phòng tử hình có lắp gương một chiều, chỉ cho phép người chứng kiến nhìn cảnh hành quyết. Một số phòng khác được lắp cửa sổ kính trong để cho phép cả tử tù nhìn người chứng kiến. Khi lễ hành hình kết thúc, những người chứng kiến được nhân viên nhà tù hộ tống ra ngoài. Nhà báo và người nhà tử tù có thể được đưa tới phòng tuyên truyền. Người chứng kiến ký vào văn bản khẳng định rằng, họ đã chứng kiến ca hành hình.

Trong một vài trường hợp, khi có nhiều người nhà tử tù đến mà không được phép vào phòng chứng kiến, họ được ngồi trong phòng có lắp TV nội bộ để quan sát cảnh hành quyết. Ở bang Illinois của Mỹ, người nhà tử tù chỉ được phép quan sát qua TV.

Khi đã mặc quần áo theo đúng quy định, tù nhân được đưa tới phòng hành hình. Họ có thể tự đi hoặc được khiêng bằng cáng. Những người tự đến phòng hành hình sau đó bị cố định trên cáng hoặc trên bàn, với tay và cổ chân bị buộc lại. Khi ống tĩnh mạch được luồn vào tay tù nhân, bức rèm che cửa sổ có thể được kéo lên để nhân chứng nhìn cảnh hành quyết. Vào lúc này, tù nhân được phép nói hoặc viết những lời cuối cùng. Những lời này được ghi lại để sau đó cung cấp cho báo chí.

Trừ khi nhận được lệnh hoãn, dừng thi hành từ quan chức có thẩm quyền, quy trình hành hình diễn ra như kế hoạch. Nhiều bang trước đây sử dụng máy bơm chất độc, nhưng ngày nay họ dùng bơm bằng tay vì sợ máy móc trục trặc.

Đội hành quyết có thể ở trong một phòng riêng hoặc được che rèm để tử tù và người chứng kiến không nhìn thấy. Trong một số trường hợp, nhân viên hành hình có thể đội mũ chụp đầu để tránh bị nhận dạng. Khi nhận được tín hiệu của người giám sát, đội hành hình tiêm 2 hoặc 3 liều thuốc độc vào tử tù qua ống tĩnh mạch.

Một số bang quy định nhiều người thi hành án, tất cả họ đều bơm thuốc qua ống tĩnh mạch, nhưng chỉ một trong số đó thực sự bơm thuốc độc. Không ai trong đội biết người nào thực sự bơm chất độc vào tù nhân.

Thuốc được bơm vào tù nhân theo trình tự sau:

* Thuốc gây mê Sodium thiopental (tên thương mại là Pentothal) khiến tử tù ngủ sâu. Đây là loại thuốc an thần, phát huy tác dụng trong vòng 30 giây. Trong các ca phẫu thuật y khoa, bệnh nhân được tiêm liều lượng từ 100-150 mg trong 10-15 giây. Khi hành quyết, tù nhân có thể được tiêm 5.000 mg, nên bản thân liều lượng này cũng có thể gây tử vong. Sau khi được tiêm thuốc này, tù nhân không còn cảm thấy gì.

* Dung dịch nước muối được bơm vào.

* Chất làm liệt Pancuronium bromide, hay Pavulon, là loại thuốc gây ngừng thở vì làm liệt màng chắn và phổi. Thông thường, thuốc này có tác dụng sau khi bơm 3 phút. Ở nhiều bang, Pavulon được bơm với liều lượng lên tới 100 mg, cao hơn nhiều so với liều lượng dùng trong phẫu thuật y học. Những hóa chất khác cũng có thể được sử dụng với vai trò chất làm liệt, bao gồm tubocurarine chloride, succinylcholine chloride.

* Dung dịch nước muối được bơm vào.

* Chất độc (không phải bang nào cũng sử dụng): Potassium chloride được bơm với liều lượng chết người để tác động khiến tim ngừng
hoạt động.

Trong vòng 1 hoặc 2 phút sau khi liều thuốc cuối cùng được bơm vào, bác sĩ hay chuyên gia y tế tuyên bố tù nhân đã chết. Thời gian từ khi tù nhân rời buồng giam tới khi tuyên bố cái chết chỉ khoảng 30 phút. Tù nhân thường chết trong 5-18 phút sau khi lệnh tử hình được đưa ra. Sau khi hoàn thành, xác tử tù được đặt vào túi đựng xác và đưa đến cho chuyên gia y tế kiểm tra, có thể bằng cách khám nghiệm tử thi.

Tiêm thuốc độc ở các nước

Bơm thuốc độc lần đầu tiên được đề xuất trở thành biện pháp tử hình năm 1888 ở thành phố New York (Mỹ), nhưng địa phương này sau đó lại chọn biện pháp sốc điện. Năm 1977, Oklahoma trở thành bang đầu tiên của Mỹ áp dụng biện pháp bơm thuốc. Trong 38 bang quy định án tử hình ở Mỹ, 34 bang coi bơm thuốc là hình thức tử hình chủ yếu. Chính phủ liên bang và quân đội Mỹ cũng sử dụng cách này.

Năm 1997, Trung Quốc trở thành nước thứ hai cho phép dùng biện ph huốc độc, 15 năm sau khi Mỹ thực hiện cách này. Thông tin về việc hành quyết tù nhân bằng thuốc độc ở Trung Quốc rất khó tiếp cận. Trước năm 1997, biện pháp hành hình chủ yếu của Trung Quốc là bắn. Trong khi đó, Đài Loan vẫn chưa từng dùng tới cách thức này, mà vẫn dùng biện pháp xử bắn.

Ở Philippines, án tử hình được tái thực hiện từ năm 1993 vì tỷ lệ tội phạm gia tăng. Nước này chấp nhận biện pháp tiêm thuốc độc từ năm 1996, và trường hợp đầu tiên được tiến hành năm 1999. Thái Lan bắt đầu chấp nhận hành hình bằng thuốc độc từ tháng 10- 2003, và trường hợp đầu tiên bị hành hình bằng thuốc độc được thực hiện vào tháng 12-2003, dành cho 4 tội phạm buôn ma túy và giết người.

Thái An tổng hợp

Theo Báo giấy