Bài 1: Đô thị vệ tinh bị lãng quên
Năm 2011, sự kiện công bố quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (do Thủ tướng phê duyệt) đã thu hút rất nhiều người dân Thủ đô. Cung Triển lãm quy hoạch (Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa xây xong đã đón một lượng lớn người chưa từng thấy đến để tham quan quy hoạch nội đô và vùng phụ cận. Ai cũng hồ hởi về việc cắt đặt đâu ra đấy. Đặc biệt, quy hoạch 5 khu đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) để giảm sức ép cho khu vực nội đô được mô tả bằng mô hình, bản đồ hết sức phong phú.
Theo đồ án quy hoạch chung của Thủ tướng, đô thị Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được định hướng xây dựng phát triển theo mô hình đô thị hiện đại, chất lượng cao, với các chức năng là thành phố khoa học, công nghệ, đào tạo. Đây cũng là đô thị du lịch nghỉ dưỡng, sẽ hỗ trợ và có sự liên kết chặt chẽ với đô thị trung tâm. Quy mô diện tích quy hoạch theo đề xuất hơn 17 nghìn ha; quy mô dân số đến năm 2030 xấp xỉ 60 vạn, ngưỡng phát triển dân số tối đa 75 vạn người (đến năm 2030).
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) chỉ ra vấn đề quy hoạch trong thời gian qua là tổ chức quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch dẫn đến việc chỗ nào cũng làm dự án, nhưng lại nhan nhản dự án treo.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau hơn 6 năm có quy hoạch và triển khai, bộ mặt đô thị Hòa Lạc vẫn chưa có sự thay đổi khi người dân vẫn sinh sống bám mặt đường. Cao tốc Láng - Hòa Lạc là tuyến giao thông duy nhất kết nối trung tâm Hà Nội với đô thị Hòa Lạc. Nhiều dự án then chốt như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trường Đại học Quốc gia... giậm chân tại chỗ về tiến độ thi công.
Dự án trường Đại học Quốc gia ở Hòa Lạc được khởi công cuối năm 2003 có quy mô và diện tích xây dựng với gần 1.130ha. Chỉ tính riêng một thành phần là dự án xây dựng khu ký túc xá sinh viên đã có hơn 130 tòa nhà cao từ 5 tầng đến 11 tầng, với diện tích 101ha, diện tích sàn xây dựng 483.000m2, mức đầu tư ước tính 5.071 tỷ đồng.
Hồi đó người ta dự kiến đến năm 2007, dự án phải hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và di chuyển được 40% các đơn vị đào tạo lên địa điểm mới. Nhưng thực tế, có mặt tại trường Đại học Quốc gia ở Hòa Lạc sáng 7/1, PV mới chỉ thấy có khu nhà khách của Đại học Quốc gia, trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh và một khối nhà khác đưa vào sử dụng. Tấm biển treo khu vực xây dựng giảng đường chỉ còn trơ khung sắt. Sự hoang hóa với núi đồi là những gì ai cũng dễ nhận thấy ngay từ cổng cho đến vào sâu khu dự án. Gần 20 năm từ lúc phê duyệt chủ trương dự án, nhiều hộ dân tại đây đang phải sống khổ sở vì dự án chậm triển khai.
Việc chậm triển khai trường Đại học Quốc gia ở Hòa Lạc đến mức ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư huyện Thạch Thất (Hà Nội) phải ví von rằng: “Gần một đời người vẫn chưa xong”.
Theo ông Hoàn, nhiều cuộc họp, báo cáo gửi thành phố, Thủ tướng liên quan đến tiến độ dự án trường Đại học Quốc gia ở Hòa Lạc song đến nay vẫn chưa có giải pháp triển khai tiếp. Trên địa bàn huyện còn có dự án Công nghệ cao Hòa lạc dù tiến độ nhanh và có hình hài hơn Đại học Quốc gia nhưng vẫn chậm. “Người dân quanh dự án sinh hoạt khổ sở. Chúng tôi chỉ có kiến nghị đẩy nhanh tiến độ dự án cho dân bớt cực”, ông Hoàn nói.
Liên quan đến việc phát triển khu đô thị vệ tinh ở Hòa Lạc, ông Hoàn cho rằng, sau quy hoạch chung của Thủ tướng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi gì trên địa bàn huyện cả về quy mô dân số và diện mạo đô thị. Thậm chí, nhiều dự án tại xã Tiến Xuân bỏ hoang hơn 10 năm khiến chính quyền địa phương không biết giải quyết ra sao.
Đại học Quốc gia Hà Nội tại Láng - Hòa Lạc chậm triển khai nhiều năm.
Ai phá nát quy hoạch khu đô thị mới?
Khu Trung Hòa - Nhân Chính là khu đô thị cao tầng đầu tiên ở Hà Nội được quy hoạch tổng thể từ những năm 2000; được kỳ vọng như một khu đô thị hiện đại với hạ tầng đồng bộ. Nhưng không lâu sau đó, tại Quyết định 75 (18/9/2001) do ông Hoàng Văn Nghiên lúc đó làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân) tỷ lệ 1/500. Theo đó, tổng diện tích đất ở từ: 146.400,00m2 lên 147.020,51m2; diện tích sàn nhà ở từ: 290.800,00m2 lên 396.847,94m2. Nhà ở được xây dựng với hai thể loại chính: Chung cư cao tầng (9-33 tầng) chiếm gần 61,26% diện tích đất xây dựng nhà ở và nhà thấp tầng kiểu biệt thự hay kiểu nhà vườn chiếm 38,74% diện tích đất xây dựng nhà ở. Tổng số dân dự kiến: 12.600 người.
Từ lần điều chỉnh đầu tiên đến nay, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính liên tục được điều chỉnh về mật độ dân số, công trình công cộng thành chung cư... Có thể nói, khó ai nhận ra hình hài dự kiến ban đầu. Bởi vì nhìn đâu cũng ngút tầm mắt những khối bê tông thô ráp. Điều này thật dễ nhận thấy khi qua những tuyến phố chính như: Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám...nhà cao tầng mọc lên san sát. Thậm chí, trên một ô đất mặt đường Lê Văn Lương làm bãi đỗ xe cũng được điều chỉnh xây dựng thành chung cư cao tầng. Hiện nay, số lượng dân cư tại khu Trung Hòa - Nhân Chính gấp 10 lần so với quy hoạch dự kiến ban đầu.
Một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính là một điểm nóng về trật tự xây dựng. Nhiều năm qua, việc thanh tra xử phạt lên đến hàng tỷ đồng tại hàng trăm công trình xây dựng nhà ở cao tầng. Đa số các công trình, chủ đầu tư tự ý vi phạm về tăng chiều cao, mật độ xây dựng.
Người dân Thủ đô vẫn nói vui: Thoát được kẹt xe nội thành đã bắt gặp Trung Hoà-Nhân Chính bủa vây, tiếp đến “thất thủ” tại Lê Văn Lương kéo dài. Một hành trình hoàn hảo của sự tắc nghẽn. Việc này diễn ra không vô tình.
(Còn nữa)
Thị xã Sơn Tây được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh trong tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Sơn Tây có chức năng là: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô, các dịch vụ về lĩnh vực đào tạo, y tế… Thực tế cho thấy, Sơn Tây lại là nơi phát triển chậm nhất từ khi có quy hoạch chung. Ngoài con đường nối với trung tâm thành phố, hiện Sơn Tây vẫn chưa phát triển về mạng lưới giao thông. Chưa có một nhà đầu tư và dự án lớn nào được đặt tại Sơn Tây. Người dân vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và bán hàng tràn ra mặt đường lớn.