Quay vòng giấy kiểm dịch gia cầm kiếm lời

TP - Ngày 28/6, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng về ngăn chặn gia cầm lậu không rõ nguồn gốc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Nguyễn Thị Như Mai cho biết, có hiện tượng trà trộn gà lậu với gà nội địa, quay vòng giấy kiểm dịch.

> Bắt quả tang trưởng phòng kiểm dịch "bán" giấy kiểm dịch
> Gà lậu vẫn 'cục tác' giữa Thủ đô

Kiểm tra gia cầm ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Anh Quân.

Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết, gần đây việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát. Không còn tình trạng vận chuyển gia cầm lậu bằng ô tô trọng tải lớn.

Tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín), 16 hộ kinh doanh gia cầm lậu nhập lậu trước đây đã “bỏ nghề”. Tất cả các hộ kinh doanh gia cầm ở Hà Vỹ ký cam kết “nói không” với gà lậu.

Về việc lần đầu tiên Hà Nội tịch thu xe chở hàng lậu bán đấu giá, sung công quỹ, bà Mai cũng cho biết, từ đầu năm tới nay tạm giữ 4 phương tiện, trong đó tịch thu 1 xe.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn gà lậu đã trộn gà lậu với gà nội địa, dùng hồ sơ kiểm dịch để vận chuyển gà vào thành phố một cách hợp pháp, hoặc giết mổ gà trước khi đưa vào tiêu thụ, gây khó khăn cho việc xác định nhập lậu hay nội địa.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Có hiện tượng trà trộn trứng nhập lậu vào trang trại nội địa, rồi dùng giấy kiểm dịch hàng trong nước để hợp thức hóa hàng lậu đó. “Chúng tôi vào tận nơi, kiểm tra đến cùng, và vừa rồi lực lượng liên ngành đã bắt vụ 117 nghìn quả trứng lậu làm theo hình thức như thế”- bà Mai nói.

Việc niêm phong kẹp chì không thống nhất giữa các đơn vị thú y cũng được coi là nguyên nhân khiến gia cầm lậu biến động về số lượng. Theo ông Lộc, có xe được kẹp chì, nhưng có xe chỉ dán niêm phong bằng giấy. Một số xe vận chuyển chỉ niêm phong kẹp chì ở cửa thùng xe, trong khi trên nóc thùng xe không phủ bạt, không có niêm phong, chỉ có các thanh sắt ngang nhưng cách nhau tới 40 cm, nên đây chính là kẽ hở cho các đối tượng vi phạm.

Kiên quyết xử lý

Liên quan đến việc phát hiện, tiêu hủy gần 19,6 tấn thực phẩm “hết hạn” của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (phát hiện tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), bà Mai cho biết, chúng tôi kiên quyết buộc tiêu hủy, và xử phạt hơn 100 triệu đồng (trị giá lô hàng hơn 1 tỷ đồng). Lô thực phẩm (chân gà, xương xay, thịt xay...) của C.P đã hết hạn sử dụng mấy tháng, đây là thực phẩm do C.P sản xuất trong nước, khi phát hiện đang nằm trong kho lạnh, chưa đưa ra thị trường.

Theo bà Mai, khi yêu cầu tiêu hủy lô hàng trên, phía C.P có xin giữ lại để nghiền làm thức ăn chăn nuôi, nhưng Sở dứt khoát yêu cầu tiêu hủy do không thể giám sát việc tái sử dụng.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, sau vụ việc trên, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục trinh sát để xử lý kịp thời những vi phạm. Nếu phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, sẽ xử lý nghiêm.

Theo Báo giấy