Hạnh phúc khi có quần áo mới
Ban đầu khi em Thạch Huỳnh Như (học sinh lớp 5, ở khóm 3, phường 5, TP Sóc Trăng) được các anh chị trong Nhóm IV Trần Văn Ơn “dụ dỗ” mặc bộ quần áo mới vẫn còn ngượng ngùng, không dám mặc. Nhưng chỉ ít phút sau, Như bước ra từ khu thay đồ với bộ quần áo mới, vừa vặn, khuôn mặt em rạng rỡ hẳn lên. “Gia đình em khó khăn nên rất ít khi được cha mẹ mua đồ mới. Giờ được các anh chị tặng quần áo đẹp em hạnh phúc lắm vì có thêm đồ mới mặc đi học và khoe với bạn bè”, Như xúc động nói.
Em Thạch Huỳnh Như vui mừng với bộ đồ mới. Ảnh: H.H.
Ông Sơn Chanh Mô Ni, phụ huynh em Sơn Ngọc Bích (học sinh lớp 6, trường THCS Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu) cầm trên tay bộ quần áo đồng phục học sinh vừa tìm được cũng không giấu được niềm vui. Ông Ni bộc bạch: “Gia đình tôi có 5 người thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thu nhập không bao nhiêu nên hơn 2 năm nay tôi không có tiền mua áo quần mới cho các con. Ở đây thấy áo quần còn mới tinh thế này mà không tốn tiền mua, tôi muốn xin cho cháu một bộ mặc đi khai giảng năm học mới. Tôi mang về chắc cháu sẽ thích lắm”.
Ông Thạch Mô Rít (46 tuổi) sống bằng nghề chạy xe ôm ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu. Ông đến xin hẳn 5 bộ quần áo cho cả nhà. “Tôi chạy xe bữa được bữa không, có hôm mưa gió không ai kêu. Hiện tôi phải nuôi 5 miệng ăn nên hơn một năm nay không có tiền mua áo quần mới cho con. Hôm qua nghe có người bảo đi lấy quần áo miễn phí về mặc, tôi vẫn chưa tin. Tuy nhiên, hôm nay đến đây thấy áo quần còn mới thế này mà không tốn tiền, tôi vui lắm. Cả nhà tôi sẽ cùng mặc những bộ quần áo mới này”, ông Rít nói.
Anh Lưu Hồng Tài, thành viên trong nhóm cho biết, ngoài quần áo, giày dép, các thành viên trong nhóm còn vận động quyên góp vở tập viết, sách cũ để trao tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương trong tỉnh nhân dịp năm học mới 2018-2019. “Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đầu sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, sách tham khảo, truyện tranh, vở tập viết đã được các nhà hảo tâm gửi về. Sau đó các bạn tình nguyện viên phân theo từng loại. Tính tới thời điểm hiện tại đã có trên 100 bộ sách các loại, 1.500 quyển vở tập viết đã được các nhà hảo tâm gửi đến cho nhóm”, anh Tài cho biết.
TÌNH THƯƠNG LAN TỎA
Anh Nguyễn Ngọc Nghiệp, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng kiêm trưởng Nhóm IV Trần Văn Ơn chia sẻ: “Trước đây, tôi và nhóm của mình cũng nhiều lần tặng quần áo cho người nghèo nhưng chỉ là tập hợp quần áo cũ, rồi chuyển qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh hay các chùa. Tình cờ một lần chứng kiến CLB Đồng Tâm ở phường 5, thành phố Sóc Trăng có mô hình quầy quần áo cho người nghèo, thấy hữu ích nên tôi bàn với các thành viên trong nhóm tổ chức một quầy như vậy. Rất may chúng tôi được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ nên mô hình này hoạt động rất hiệu quả”.
Theo anh Nghiệp, trước khi đi vào hoạt động khoảng một tuần, anh và các thành viên trong nhóm đã lên mạng xã hội kêu gọi mọi người ủng hộ. Sau khi tung lên mạng mô hình hoạt động đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ không chỉ của người dân tại Sóc Trăng mà còn ở địa phương khác. Trong đó có những lô hàng quần áo được các mạnh thường quân gói ghém cẩn thận gửi về từ tận Cần Thơ, Nha Trang, Sài Gòn... Ban đầu nhóm có 8 thành viên, đến nay nhóm đã có trên 20 bạn. Hiện tại, bình quân mỗi ngày nhóm nhận được hơn 500 bộ quần áo (cả cũ và mới)từ các nơi gửi về.
Với những người lao động khó khăn, quanh năm gắn liền với tấm áo sờn vai hay chiếc quần mòn gối, thì những bộ đồ này thật sự là niềm vui nhỏ nhoi nhưng ấm áp tình người. Bước đầu hoạt động của nhóm đã tạo sức lan tỏa sâu rộng. Hiện nhóm phối hợp với một số huyện Đoàn để triển khai ở địa phương như: Kế Sách, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng, Mỹ Xuyên…
Chị Võ Kim Chuyền, Bí thư Tỉnh Đoàn Sóc Trăng rất ủng hộ mô hình hoạt động của Nhóm IV Trần Văn Ơn. “Chính tấm lòng yêu thương, san sẻ, quầy áo quần “0 đồng” này đã mang lại niềm vui cho rất nhiều người. Những người cho sẽ hạnh phúc khi được chia sẻ những khó khăn với người khác, còn người nhận mừng rỡ, phấn khởi khi được nhận những bộ đồ ấm áp nghĩa tình. Và thứ quý hơn hết là tình thương được lan tỏa trong cộng đồng”, chị Chuyền nói.