Quay cuồng vì 'sao' ngoại

TP - Khán giả chạy theo sao ngoại. Nghệ sĩ nhập khẩu phong cách ngoại. Nhà tổ chức dọn đường cho văn hóa ngoại… Và phải chăng chúng ta sẽ sớm gặp lại giá trị văn hóa Việt trong bảo tàng chắc cũng phải của ngoại.

> Fan cuồng người Việt của 'sao' Hàn
> Giao lưu văn hóa giá đắt

Cặp quán quân American Idol (Thần tượng âm nhạc Mỹ) và X-Factor 2008 được coi là nóng nhất trong số những nghệ sĩ từng được H-Artistry mời sang Việt Nam không phải vì tài năng hơn người khác mà đơn giản vì họ bước ra từ một cuộc thi có thương hiệu toàn cầu.

Họ dù sao cũng là ca sĩ mới vào nghề và còn nhiều mục tiêu để chinh phục, nhưng đã nổi tiếng đến mức khán giả ở một xứ xa lắc như Việt Nam cũng hâm mộ. Không hiếm khán giả trẻ ở sân Quần Ngựa tối 16-6 thuộc nằm lòng các bài hát của David Cook và Alexandra Burke, say mê hát theo. Ngồi cạnh tôi là một cô bé chắc vừa bước vào lớp 1 nhưng làu làu các bài của David Cook, nếu không hát theo thì bé sẽ rú lên theo diễn biến hấp dẫn của sân khấu, tay không ngừng giơ cao Iphone ghi hình. Nhìn kỹ thì bé là con của một đạo diễn Việt kiều, có nghĩa là bé được nuôi dạy ở Mỹ. Hú vía(!)

Tuy nhiên không có gì đảm bảo trong vài năm nữa người hâm mộ sẽ tiếp tục hát theo các thần tượng này. Đơn giản vì truyền thông sẽ không ngừng sinh ra những thần tượng khác, cho đến khi nào công nghệ sản xuất thần tượng còn sinh lời. Khán giả cứ đinh ninh rằng mình đã phát hiện và chắp cánh cho những tài năng mới, nhưng đúng hơn họ là đang vỗ béo cho bộ máy truyền thông.

Dân Mỹ quay cuồng vì thần tượng Mỹ đã đành. Dân ở xứ xa xôi như Việt Nam cũng quay theo. Cũng không hẳn vì chỉ ở Mỹ mới có người hát hay mà cái chính là luồng thông tin từ Mỹ phát ra cực mạnh, bao trùm toàn thế giới, không cách gì cưỡng lại được. Và nói chung thời gian quý báu của một người trẻ sẽ dành ngày càng nhiều phần để cập nhật thông tin văn hóa Mỹ, Anh, gần đây thêm cả Hàn Quốc... Hy vọng một ngày nào đó sẽ đến lượt Việt Nam!

Sức hút của Hàn Quốc mạnh đến nỗi một công ty truyền thông của Việt Nam phải bỏ ra 8 tháng thương thuyết mới mời được TAL cùng 2A.M- chương trình kết hợp võ thuật truyền thống với nhạc trẻ- mang đậm tính quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Và người Việt phải mua vé không hề rẻ để vào xem chương trình đã được chính phủ Hàn Quốc tài trợ đó. Cùng thời điểm, Tuần lễ JYJ với các hoạt động khuếch trương nhóm hát nam xứ Hàn này tưng bừng diễn ra ở Hà Nội, để chào mừng việc nhóm này đến TPHCM diễn giao lưu 12 phút trước giờ giao hữu bóng đá. Điều đáng lưu ý hoạt động này tuy là của người hâm mộ nhưng lại được một công ty truyền thông thuộc loại có cỡ ở Việt Nam bảo trợ thông tin. Vâng, nhân tài vật lực của Việt Nam cũng đã bắt đầu chạy theo guồng quay hái ra tiền của ngành giải trí Hàn. Một ngôi sao thuộc hàng năng động như Mỹ Tâm vài năm trước cũng phải cất công sang Hàn Quốc làm album mong thu hút khán giả trong nước (việc này không giống như một vài sao Hàn Quốc sử dụng ê-kip Mỹ để sản xuất chương trình cho thị trường Mỹ). Dù sao Việt Nam cũng có một nơi để học hỏi, nhập khẩu văn hóa thuận tiện hơn so với việc phải sang Mỹ mua tận gốc.

Có lẽ thế giới đã bước vào thời kỳ chạy đua văn hóa (thay cho vũ trang như trước đây). Đó hẳn là một điều đáng mừng. Nhưng tình hình là nước nào đầu tư cho văn hóa mạnh hơn sẽ có cơ hội nuốt chửng những nền văn hóa ít đầu tư hơn, sức đề kháng kém hơn. Nhiều người lo ngại rằng, khi tiến trình toàn cầu hóa về văn hóa đã diễn ra xong xuôi, người Việt trẻ nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ và nói tiếng Hàn như ngôn ngữ thứ hai chỉ có thể vào bảo tàng để viếng thăm các giá trị văn hóa của ông cha. Viễn cảnh này đang báo động khi người Việt xem ra ngày càng có xu hướng cởi mở, háo hức đón nhận các giá trị ngoại lai được coi là tiên tiến, hiện đại. Tốt hay xấu thì đây cũng là một xu hướng phải chấp nhận. Chỉ có điều nếu không gia cố và tôn tạo văn hóa nội để cân bằng tình hình thì văn hóa Việt sẽ vào bảo tàng sớm hơn các nước khác.

Theo Báo giấy