Quanh khu nhà vườn của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: 'Quốc hội phải có trách nhiệm'

TP - Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, nhận định như vậy khi trao đổi sáng 28-5 với báo giới xung quanh thông tin về khu nhà vườn của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Ông Thảo nói: Theo quy định, tất cả đại biểu khi ứng cử đều phải kê khai tài sản, nhưng chỉ có các vị ứng cử vào các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn thì trong tập hồ sơ gửi đến đại biểu mới có bản kê khai tài sản.

Nhưng tất cả tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng được kê khai để khi cần thiết, bất cứ ai đó muốn đi thẩm tra thì cứ việc làm.

Để khi phát hiện ra cái không bình thường có thể đặt vấn đề là đề nghị ông/bà cho biết nguồn gốc tài sản đó do đâu mà có; người có tài sản phải có trách nhiệm chứng minh.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 27-5, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc báo chí phản ánh về nhà vườn của con trai Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến là chính đáng. Ông Quyến hiện là đại biểu Quốc hội, Quốc hội nên đặt vấn đề này như thế nào?

Khi có những ý kiến của công luận đưa lên về một vụ việc nào đó mà có nghi vấn về tính minh bạch tài chính, thu nhập thì cần phải làm rõ, bất cứ người đó là ai.

Người có chức quyền, cán bộ, đảng viên thì càng phải làm nhanh, làm sớm để khi công luận rõ sẽ tạo niềm tin đối với người dân và nếu không có cũng là một cách để minh oan cho người bị nghi ngờ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín cho Đảng, Nhà nước.

Theo Luật phòng, chống tham nhũng, cơ quan nào quản lý hồ sơ kê khai tài sản phải vào cuộc đầu tiên: Thanh tra công vụ, cơ quan tổ chức, bộ phận tổ chức là nơi nắm giữ hồ sơ có kê khai tài sản.

Còn nếu liên quan tới đất đai, tài sản thì thanh tra tài nguyên môi trường phải đi làm và nếu liên quan đến cấp nào thì cơ quan cấp trên phải vào cuộc thì mới khách quan.

Cụ thể trong trường hợp liên quan con trai đại biểu Bùi Thanh Quyến thì sao?

Trường hợp này do thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường, thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ và nếu là đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải tiến hành xác minh, làm rõ.

Nếu xác định nguồn gốc tài sản là minh bạch thì trả lại sự minh bạch cho người ta. Nếu có vấn đề, liên quan tới dấu hiệu phạm pháp sẽ đến việc của thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra của công an.

Theo ông, Quốc hội có nên vào cuộc trong sự việc này hay không?

Tôi nghĩ, với chức năng quản lý các đại biểu của mình, Quốc hội phải có trách nhiệm xem xét việc này để kiến nghị, phối hợp các cơ quan, bảo vệ cho đại biểu của mình.

Nếu anh phạm pháp, hoặc cơ quan chức năng muốn bắt giữ, động chạm đến một đại biểu Quốc hội phải được Quốc hội xem xét. Trong trường hợp Quốc hội không họp thì phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

NT ghi

Theo Báo giấy