Tiếp vụ Vịnh Hạ Long bị bê tông hóa:

Quảng Ninh cấp tốc phê duyệt cho hai công trình sai phép

TP - Mặc dù 2 công trình giữa vùng lõi di sản của Ban quản lý vịnh Hạ Long chưa có đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn khởi công rầm rộ nhiều tháng nay. Sau khi Tiền Phong phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh cấp tốc phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với 2 dự án này.
Hàng loạt máy móc cơ giới thi công rầm rộ giữa vùng lõi di sản vịnh Hạ Long

Cấp tốc phê duyệt

Như Tiền Phong đã phản ánh, hiện vùng või di sản vịnh Hạ Long có hàng chục công trình trái phép xây dựng kiên cố bằng bê tông. Trong đó có 2 công trình xây dựng do BQL vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư là bến cập tàu động Mê Cung và hang Tiên Ông. Cả 2 công trình này mặc dù chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng BQL vịnh vẫn xây dựng rầm rộ nhiều tháng qua.

Ngay sau khi Tiền Phong phản ánh vấn đề này, ngày 23/5, UBND tỉnh Quảng Ninh phát đi văn bản 3440 yêu cầu thành phố Hạ Long dừng thi công cải tạo, nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung và hang Tiên Ông để chờ đánh giá tác động môi trường đối với 2 công trình này.

Theo ông Bùi Sỹ Giáp, Trưởng phòng Kỹ thuật tu bổ, tôn tạo thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long lý giải việc chưa có đánh giá tác động môi trường của 2 dự án là do Ban này đã làm hồ sơ gửi lên tỉnh nhưng phía Sở Tài nguyên Môi trường vẫn chưa trả lời.

Chỉ sau 1 ngày ra văn bản tạm dừng xây dựng, ngày 24/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp tốc phát đi 2 văn bản phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với 2 dự án mà BQL vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư. Cả 2 văn bản này nêu rõ việc ngày 23/5/2019 đã có tờ trình đề nghị xét duyệt của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đánh giá tác động môi trường đối với 2 dự án.

Theo quy mô của 2 dự án tại động Mê Cung và hang Tiên Ông, cao trình đỉnh bến là 4,62m, cao trình đáy biển tối thiểu là 2,4m, cao độ bậc thang là 2,1m. Kết cấu bến dạng bê tông cọc cao dài, hệ dầm bản bê tông cốt thép trên nền cọc khoan nhồi đường kính 80cm, bề rộng bến 14,8m, chiều dài 34m.

Đặc biệt trong 2 bản phê duyệt này đều nêu rõ: Phạm vi báo cáo này không đánh giá tác động môi trường cho việc tập kết máy móc, thiết bị chuẩn bị cho công tác thi công. (Lý do: Chủ dự án đã thực hiện trước khi báo cáo ĐTM này được phê duyệt).

Như vậy, chỉ 1 ngày sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh gửi tờ trình về việc đánh giá tác động môi trường đối với 2 dự án xây dựng trong vùng lõi vịnh Hạ Long (ngày 23/5/2019), UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp tốc phê duyệt báo cáo này vào ngày 24/5/2019. Việc làm này khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao nhiều tháng trước đó báo cáo này không được phê duyệt. Chỉ khi báo chí phản ánh UBND tỉnh Quảng Ninh mới cấp tốc phê duyệt liên tiếp cả 2 dự án đã xây dựng trước đó khi không có đánh giá tác động môi trường đối với vùng lõi của di sản?

Tỉnh chủ trương xây dựng?

Ngày 27/5/2015, với lý do phát triển du lịch trên vịnh, hai công trình cải tạo, nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung và khu vực Hang Tiên Ông, vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh đưa vào Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020. Đến ngày 20/11/2018, Bộ VHTTDL mới có văn bản đồng thuận và thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật cải tạo, nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung và khu vực hang Tiên Ông.

Mặc dù được tỉnh và phía Bộ VHTTDL phê duyệt cả 2 dự án nhưng từ đầu năm 2019, BQL vịnh Hạ Long đã bỏ qua đánh giá tác động môi trường đối với 2 công trình xây dựng trong vùng lõi di sản để tập kết máy móc, thiết bị cơ giới hiện đại khoan cọc đổ bê tông xuống vịnh. Việc làm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với hệ sinh thái của vịnh Hạ Long. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại cả 2 công trình này đều không có bảng biển ghi thông tin dự án.

Vịnh Hạ Long đang bị bê tông hóa
Đối với việc xây dựng đền Bà Men vịnh Hạ Long, theo hồ sơ đền này được nhân dân xây dựng từ năm 1983 tại khu vực đảo Đầu Bê vịnh Hạ Long. Đây là loại hình di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ của ngư dân vịnh Hạ Long. Với lý do xuống cấp gây nguy hiểm, người thủ nhang đền này đã tự ý phá dỡ đền và xây dựng, cơi nới diện tích trên đảo bằng bê tông.

Riêng 2 bến cập tàu được xây dựng bởi hàng nghìn khối bê tông tại hòn Cây Chanh và Hòn Cỏ (khu vực Cống Đỏ) là do Cty cổ phần du thuyền Đông Dương xây dựng từ tháng 9/2016. Với lý do UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư sản phẩm du lịch tuyến 4 vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long, trong đó bao gồm cả điểm dừng Hòn Cỏ và hòn Cây Chanh. Nhưng trên thực tế, cả 2 công trình này đều trái phép.

Với hàng loạt văn bản chấp thuận cũng như phê duyệt các dự án xây dựng trên vịnh Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc nâng cấp, cải tạo nhưng trên thực tế, các công trình này gần như được xây mới hoàn toàn. Từng khối bê tông khổng lồ được đổ thẳng xuống vịnh gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái vịnh Hạ Long. Hệ sinh thái mà trước đó UNESCO đã khuyến cáo là vô cùng đặc biệt và cần được bảo tồn.

“Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là điều tất yếu nhưng việc xây dựng rầm rộ trong vùng lõi để phát triển du lịch là trái với Luật Di sản. Đã là di sản thì 1 cành cây, ngọn cỏ cũng phải được bảo vệ. Muốn xây dựng cũng cần có ý kiến của các chuyên gia về môi trường, thậm chí cả đại diện tổ chức UNESCO thẩm định chứ không muốn xây là xây, muốn phá là phá” - Ông Phạm Ngọc Thực, một người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa vịnh Hạ Long nói.

Văn phòng Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ, theo đó cho biết ngày 22/5 báo Tiền Phong có bài phản ánh vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang bị hàng loạt doanh nghiệp thi nhau “bê tông hóa”, đổ cát lấn biển để làm du lịch trái phép. Văn phòng Bộ thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Ninh về vấn đề quản lý Vịnh Hạ Long, đề xuất phương án bảo vệ di sản. Thanh tra Bộ chủ động triển khai kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.