Theo Sở NN&PTNT, hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt gần 420.000 con, trong đó còn gần 40.000 con lợn thương phẩm với tổng trọng lượng gần 3.900 tấn vẫn tồn đọng chưa tiêu thụ được.
Tại cuộc họp bàn, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các Sở: NN&PTNT, Công Thương, Tài chính phối hợp làm việc với các đơn vị cung ứng, tiêu thụ thịt lợn để đưa ra một mức giá định hướng hợp lý. Các đơn vị chức năng cũng quản lý chặt hơn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), kiểm soát giết mổ. Riêng phía ngân hàng cần sớm thực hiện hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc khoanh nợ, miễn giảm lãi suất, hình thành các gói vay mới, ưu tiên thu nợ gốc trước.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng kêu gọi những nơi tiêu thụ lớn như ngành Than (bao gồm Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc), các khu công nghiệp... cung cấp cho tỉnh số liệu lượng tiêu thụ thịt lợn/ngày cũng như có chủ trương làm việc, can thiệp với các đơn vị cung ứng nguồn thực phẩm của mình về việc tiêu thụ số lượng thịt lợn hơi nuôi trên địa bàn nhằm hỗ trợ người nuôi.
Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ, bán buôn như Big C, Vin Mart, Metro... tỉnh cũng đề nghị nhập nguồn thịt lợn được giết mổ, sơ chế tại các cơ sở giết mổ tập trung của tỉnh. Song song với đó, các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch cần thiết phải sử dụng sản phẩm thịt lợn đảm bảo VSATTP, trong đó nguồn thịt lợn từ các siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh là một kênh quan trọng cần ưu tiên.
“Quảng Ninh có lượng khách du lịch lớn, sức mua của người dân địa phương cũng khá cao, đặc biệt trên địa bàn còn có các hộ tiêu thụ lớn và ổn định. Do vậy, Quảng Ninh là thị trường tốt để tiêu dùng lương thực thực phẩm, trong đó có sản phẩm thịt lợn. Đây là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Do đó, trong thời gian sớm, các sở, ngành, đơn vị phải có hướng giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi lợn, giảm thiểu thiệt hại cho bà con” - ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.