“Bài toán chỉnh trị sông Quảng Huế xứng đáng được đưa vào sách kinh điển của ngành thuỷ lợi”. Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật, tại hội nghị chỉnh trị sông Quảng Huế do Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào chiều 22/10.
Câu trả lời cuối cùng về giải pháp kỹ thuật, là phải chờ một tháng nữa. Con số đầu tư, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Kè Đại Cường (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) nằm trong dự án chỉnh trị sông Quảng Huế, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, vốn 43 tỷ đồng từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới, tiến hành khởi công từ tháng 5/2007, dự kiến tháng 9/2007 là xong.
Cơn bão số 2 và số 5 vừa qua, kèm theo lũ lớn, đã phá nát toàn bộ kè cửa vào sông mới, nhiều con lạch mới xuất hiện, phá hủy trên 60m vai trái của tuyến kè hạ lưu và mở ra một cửa sông mới. Nhiều tuyến đường giao thông, đường dây 110 KV quốc gia, khoảng 700 hộ dân khu vực này đang bị uy hiếp nghiêm trọng.
Kè Đại Cường được quan tâm nhiều như vậy là xuất phát từ việc biến đổi dòng của sông Vu Gia khi chảy qua đây chia làm 2 nhánh, một phân lưu chảy về sông Quảng Huế, nhập vào sông Thu Bồn tại Giao Thủy; nhánh kia chảy về phía bắc, thoát ra cửa Hàn (Đà Nẵng).
Mưa lũ, biến đổi dòng chảy đã làm cho sông Vu Gia giảm tối thiểu lượng chảy về phía bắc, tạo dòng thẳng đổ phần lớn về hướng sông Thu Bồn.
Diễn biến này là hết sức nguy hiểm: Nếu nó không chảy về phía bắc nữa, trong khi sông Quảng Huế đã bị sa bồi, kiệt trong mùa hè, thì 10 ngàn ha đất nông nghiệp của Quảng Nam và Đà Nẵng, cùng nửa triệu dân Đà Nẵng sẽ không có nước sinh hoạt và sản xuất.
Chuyện này đã từng xảy ra, bởi cách đây 6 năm, dân Đà Nẵng đã phải mua nước đóng chai để uống! Phải tiến hành kè để đẩy phần lớn nước về phía bắc.
Ông Nguyễn Ngọc Thuật cho biết: Dự án chỉnh trị sông này, trong đó chú trọng kè Đại Cường, khiến Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm. Tất cả các chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực thuỷ lợi, nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới, đã được mời đến đây nhiều lần, nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn chưa chắc chắn.
Trả lời báo chí về nguyên nhân gây sạt lở nhanh chóng kè Đại Cường, ông Thuật thừa nhận là do khởi công quá trễ, khi mùa mưa tại miền Trung đến sớm. Nhưng, đó không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Đại diện nhóm tư vấn thuộc Viện Thuỷ lợi, đánh giá: Bài toán chỉnh trị sông Quảng Huế là cực kỳ phức tạp, chưa từng gặp bao giờ, bởi nó bị tác động từ sự tương tác của 2 sông Vu Gia và Thu Bồn. Có khi đang mùa lũ, nhưng sông này thì có, sông kia thì không.
Hiện, lưu lượng sông Quảng Huế mới chiếm hơn 90%. Đây là điều bất lợi. Cũng có ý kiến để cho nó chảy đúng qui luật tự nhiên. Điều này như đã nói là làm phía bắc mất nguồn nước; vùng hạ lưu Thu Bồn là Hội An sẽ bị ngập nhanh; dòng Vu Gia cũ sẽ bị bồi dần, rồi sẽ mất, mà bài học về mất sông tại miền Bắc là nhãn tiền, sau này không cứu nổi.
Phương án đặt ra là làm sao điều hoà được nước trong mùa lũ lẫn mùa kiệt. Ông Keat, đại diện nhóm chuyên gia nước ngoài, cũng cân nhắc khi nói đến giải pháp.
Dự đoán mức nước lên xuống, sự kết hợp dòng chảy giữa 2 sông, đoán định thời tiết, là chuyện không dễ dàng. Việc này phải thực hiện hết sức kỹ lưỡng trên mô hình toán, nếu không sẽ phải trả giá.
Ông cho rằng, phải để cho sông mới một phần chảy tự nhiên, không lấp hết; cho đóng một hệ cọc để giữ chân đập; hạ độ cao kè vùng hạ lưu; việc thiết kế kè ra sao, phải hết sức thận trọng, không gây xói lở, bồi lắng sông. Tất cả phải được xem xét trên mô hình toán.
Ông Nguyễn Văn Tiến, PGĐ Sở NN&PTNT, cho rằng: Phải khẩn cấp giữ tạm thời kè này, tránh gây tác động xói lở mạnh thôn 10 Đại Cường; bằng kinh nghiệm dân gian dùng bao cát, cọc tre. Về lâu dài, nên dùng phương pháp “mỏ hàn” nhô ra ở chân kè để đẩy nước.
Ông Trần Sĩ Vinh, Cục phó Cục Thuỷ lợi quan tâm đến việc hạ độ cao kè hạ lưu là bao nhiêu? Dòng Quảng Huế cũ được duy trì ở mức độ nhất định, nhưng lưu lượng là thế nào? Ông cảnh báo việc phát triển thuỷ điện ồ ạt vùng thượng nguồn tác động nghiêm trọng theo chiều hướng xấu đến việc phân lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Hải, cho rằng: Kè bê tông đã bị phá, vì tính cấp bách và quá cần thiết của việc này, nên việc chỉnh trị sông này có lẽ không dừng lại ở mức mấy mươi tỷ đồng, mà có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đồng ý với ý kiến của ông Hải, ông Thuật cho biết sẽ báo cáo với Chính phủ vấn đề này; không còn là làm kè nữa mà là làm đập tràn; nhiều ý kiến thống nhất là làm “mỏ hàn” nhưng cụ thể ra sao, một tháng nữa mới cụ thể; tháng 1/2008 sẽ tiến hành làm lại.