Thiếu tá Trần Hồng Dân, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 962 cho biết, thực hiện mô hình này, Đoàn cơ sở đã xây dựng kế hoạch, quy chế, bản đăng ký đến từng ĐVTN; thông qua nhiều hình thức như tổ chức diễn đàn thanh niên, tọa đàm, trao đổi, tuyên truyền nếp sống giản dị, thực hành tiết kiệm.
Theo thiếu tá Dân, mặc dù khi mới triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn ở một vài đơn vị, một số chiến sĩ mới vẫn quen thói chi tiêu lãng phí, tình trạng chiến sĩ mua nợ hàng quán, căng tin vẫn xảy ra, một số quân nhân hằng tháng vẫn tìm cách xin tiền gia đình...
“Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đến nay có trên 90% đoàn viên đăng ký thực hiện mô hình với số tiền tối thiểu 200 ngàn đồng/tháng, có những đoàn viên tiết kiệm từ 600-800 ngàn đồng/tháng và trở thành những nhân tố cổ vũ, lôi kéo chiến sĩ khác học tập và làm theo. Đến nay số tiền tiết kiệm được từ mô hình là trên 2 tỷ đồng”, thiếu tá Dân cho biết.
Trung sỹ Bùi Văn Linh (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962) chia sẻ: “Khi mới nhập ngũ tôi chưa có thói quen tiết kiệm. Cứ nhận được phụ cấp tháng nào là xài hết tháng đó, thậm chí còn nhận thêm tiền gửi từ gia đình nữa. Từ ngày có mô hình “Quân nhân và gia đình”, tôi ý thức được tính tiết kiệm, do đó tôi dành dụm để gửi tiền giúp đỡ gia đình, cũng như xây dựng tương lai sau này”.
Mô hình “Quân nhân và gia đình” đã mang lại hiệu quả tích cực. Với khoản tiền tiết kiệm từ mô hình và số tiền thanh toán các chế độ xuất ngũ, mỗi quân nhân hoàn thành nghĩa vụ ở Lữ đoàn có trong tay trên 20 triệu đồng làm vốn. Nhờ số tiền này, quân nhân xuất ngũ có thể tiếp tục ôn thi vào các trường đại học, cao đẳng hoặc tham gia các lớp đào tạo nghề và giúp cho gia đình nhiều việc có ý nghĩa.