TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia: Quản lý để sử dụng hiệu quả
Việc ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là hết sức cần thiết.
Thứ nhất, hiện nay, việc thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội khá lộn xộn. Dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí tranh chấp ở các địa phương, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và tổ chức lễ hội.
Thứ hai, chúng ta đang quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong bối cảnh mới, bị nhiều yếu tố chi phối, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường. Việc quản lý di tích, tổ chức lễ hội trong bối cảnh chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường khiến các yếu tố có liên quan đến vật chất như tiền dâng cúng, lễ vật cung tiến, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cần phải được quản lý theo hướng minh bạch, tránh tác động tiêu cực của chính các quan hệ cung - cầu, lợi ích vật chất của nền kinh tế thị trường gây ra.
Thứ ba, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ di tích, tổ chức lễ hội, vì thế cần có công cụ pháp luật điều chỉnh để vừa tạo điều kiện cho người dân (và cả các tổ chức) đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này.
Thứ tư, dù chúng ta có kinh nghiệm nhất định trong quản lý tiền công đức ở các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ở các địa phương và từng di tích, lễ hội, tuy nhiên, các văn bản mới chỉ dừng ở mức hướng dẫn thực hiện, chưa có tác dụng chế tài hiệu quả.
Tôi thấy các quy định của dự thảo Thông tư này rất rõ ràng, từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc, hình thức, phương thức tới các quản lý tài sản, thu chi trong các di tích và lễ hội. Trong đó, những nguyên tắc như “tự nguyện, công khai, minh bạch, không vụ lợi” được xem là yêu cầu quan trọng đối với tiền công đức và tài trợ cho di tích, từ đó đóng góp tích cực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.
Tuy vậy, từ văn bản pháp quy tới thực tiễn cuộc sống có thể có những khoảng cách nhất định. Các di tích gồm nhiều loại hình và quy mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau, lễ hội cũng đa dạng không kém.
Vì thế, sau khi Thông tư được ban hành, việc thực hiện nó cũng sẽ là sự kiểm nghiệm thực tiễn và là cơ sở để có những sửa đổi về sau. Ít nhất chúng ta cũng có thể đưa ra một văn bản để xử lý hoạt động quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội - một vấn đề rất khó khăn nhưng quan trọng hiện nay.
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian Ứng dụng: Cần công khai, minh bạch tiền của dân
Tiền công đức là tiền của dân, có xu hướng ngày càng lớn nhất là ở nhiều di tích linh thiêng. Di tích vừa vừa cũng thu ít nhất vài tỷ đồng/năm, có những di tích thiêng thu cả trăm tỷ mỗi năm. Mà đã tiền của dân thì cần được kiểm toán, minh bạch, công khai.
Thực tế tiền công đức đổ về các di tích rất nhiều, nhưng có tình trạng xập xí xập ngầu ở nhiều nơi. Một trong những nguyên nhân là việc đấu thầu quản lý cho nên mới có chuyện lấy tiền công đức chi tiêu vô tội vạ. Không riêng BQL di tích mà chính quyền cấp cơ sở cũng chi tiêu không đúng mục đích như quy định của Luật Di sản Văn hóa đề ra. Số tiền thu về rất lớn nhưng dành cho trùng tu, tôn tạo di tích chưa xứng tầm.
Các chùa rất chú ý trùng tu nhưng chủ yếu quan tâm trùng tu những công trình dễ thu lại tiền, hoặc xây mới nhiều công trình hoành tráng. Một số trụ trì đứng ra mua đất xây chùa bằng tiền công đức, vì thế càng cần kiểm tra và quản lý tiền công đức theo hướng công khai, minh bạch.
Một số người cho rằng một khi người ta tự nguyện công đức, cúng dường thì sẽ không quan tâm tới mục đích sử dụng. Nhưng những người tiếp nhận vẫn cần công khai minh bạch chi tiêu.
Với Thông tư này, rõ ràng nhà nước không chủ đích lấy tiền công đức từ các di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, mà chỉ điều chỉnh hoạt động chi tiêu sao cho đúng, chứ không phải những người tiếp nhận có thể dùng tiền công đức đi mua đất, mua nhà.
Một di tích - nhiều bên quản lý nguồn thu
Câu chuyện quản lý tiền công đức, nguồn thu ở các di tích trong thực tế không đơn giản, bởi một di tích có nhiều bên cùng quản lý. Chẳng hạn với Di tích danh thắng Hương Sơn, Ban quản lý chỉ chịu trách nhiệm đối với nguồn thu từ bán vé thắng cảnh. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL Di tích danh thắng Hương Sơn cho biết, tiền công đức trong khu vực chùa do nhà chùa quản lý, hòm công đức tại Đền Trình do các cụ cao tuổi ở thôn quản lý. Tiền thu từ nguồn bán vé thắng cảnh được nộp về kho bạc theo quy định của địa phương.