>> Phải xem lại công nghệ thải bùn đỏ
Theo đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai), để quản lý tốt nguồn khoáng sản, cần qui định về chiến lược khai thác khoáng sản, trong đó cần chú ý tới ý kiến của các địa phương, tránh xung đột về quyền lợi của địa phương với chính doanh nghiệp.
“Các đơn vị khai thác phải có kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến để tránh lãng phí, hoặc gây ô nhiễm môi trường do công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, cần cập nhật chỉ số tài nguyên đang cạn kiệt để xây dựng chiến lược khai thác bền vững” - Đại biểu Danh đề nghị.
“Khoáng sản quý hiếm có quy định đưa vào dự trữ quốc gia, không để xảy ra tình trạng khai thác tràn lan”- Đại biểu Tống Văn Thóong (Lai Châu) chung quan điểm.
Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) nhìn nhận: Hậu quả môi trường gây ra do khai thác khoáng sản có thể phải trả giá đắt, đó là ô nhiễm môi trường. Trong thực tế, người dân trong vùng khai thác thường phải gánh hậu quả ô nhiễm, nhưng lại ít được hưởng lợi từ việc khai thác. Nên bổ sung quy định về đền bù, ký quĩ, trách nhiệm các bên khi xảy ra sự cố về môi trường.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đề nghị nên quy định rõ việc phân chia quyền lợi giữa nhà nước, người dân địa phương và doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm, ví dụ doanh nghiệp 30%, nhà nước 30%...
Ít kỳ vọng
Liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên, khoáng sản, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung (Thái Bình) băn khoăn: “Thẩm quyền lập, trình, phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản hiện nay chưa thống nhất. Vậy bộ ngành nào là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, bộ Tài nguyên Môi trường hay bộ Công thương?”.
Theo đại biểu Dung, Bộ Tài nguyên Môi trường phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính, còn Bộ Công thương chịu trách nhiệm khâu thương mại, dịch vụ. Nếu giao Bộ Công thương thì không đúng nguyên tắc về chức năng quản lý.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho biết, ông rất kỳ vọng dự luật này sẽ góp phần chấn chỉnh nạn khai thác bừa bãi, thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường rất bức xúc thời gian qua.
“Tuy nhiên, chúng ta phải xác lập được vai trò quản lý, sở hữu nhà nước về khoáng sản. Theo đó, quyền điều tra thăm dò phải là của nhà nước. Nhà nước phải đứng ra thăm dò. Khi biết chính xác chúng ta có gì rồi thì phải lập kế hoạch khai thác, có chiến lược cụ thể, có biện pháp quản lý phù hợp, để không còn xảy ra nạn khoáng sản tặc, vàng tặc, cát tặc... Hiện nay, có tình trạng hai tỉnh chung một dòng sông, lực lượng chức năng đuổi bên này người ta chạy sang bên kia là thoát. Quản lý như thế là vô trách nhiệm, là buông lỏng” - Đại biểu Xuân chưa hài lòng.
Cũng theo đại biểu Xuân, khoáng sản là tài sản quốc gia, chúng ta có thể chủ động bán, đấu thầu quyền khai thác. Cần qui định đã thăm dò thì không cho khai thác. Nếu để người thăm dò được ưu tiên khai thác thì sẽ mất tài nguyên, bởi người thăm dò sẽ công bố sai số liệu để hưởng lợi.
“Rất vô lý là có những tài nguyên khoáng sản đang cạn kiệt nhưng chúng ta vẫn cho xuất khẩu như than chẳng hạn”- Đại biểu Xuân nói.
“Về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mục đích đấu giá quyền khai thác khoáng sản là để xóa bỏ tình trạng xin - cho, không bình đẳng giữa các nhà đầu tư và để chọn được nhà đầu tư đích thực có đủ năng lực, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án.
Đây là quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những hạn chế hiện nay. Do đó, đề nghị chỉ quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản” - Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.