Quản lý điện thoại trong trường học: Thầy cô, học sinh nói gì?

TPO - Cách đây ít ngày, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu các trường học siết chặt quản lý sử dụng điện thoại di động và thiết bị điện tử trong trường học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Quy định được nhiều phụ huynh ủng hộ và học sinh cho rằng, điều này giúp các em tập trung học tập hơn.

Trước đó, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường học quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường.

Tùy vào điều kiện thực tế, Ban Giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Trong các tiết học cần đến việc sử dụng các thiết bị này và được giáo viên cho phép thì học sinh được phép mang vào lớp học để sử dụng.

Quy định nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều phụ huynh vì dù cho con sử dụng điện thoại nhưng vẫn lo lắng khó kiểm soát được các nội dung độc hại trên mạng internet, mạng xã hội.

Quy định "cấm" sử dụng điện thoại trong giờ học của Sở GD&ĐT Hà Nội nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều phụ huynh.

Em Nguyễn Ngọc N., học sinh lớp 12, Trường THPT Thanh Oai B, huyện Thanh Oai nói rằng, trước đây em cũng thường sử dụng điện thoại để lướt Facebook và chơi game để giải trí. Thậm chí, đôi lần Nhi cũng lén thầy cô sử dụng điện thoại cả trong giờ học.

Tuy nhiên, từ đầu năm học này, nhà trường đã áp dụng quy định mới là thu giữ điện thoại của học sinh từ đầu giờ tiết 1. Tất cả điện thoại sẽ được thu và cất giữ trong tủ của lớp học có khoá. Học sinh chỉ được phép sử dụng khi có sự cho phép của giáo viên.

“Khi mới bị quản lý em cảm thấy chán vì giờ ra chơi không có điện thoại để nghịch. Tuy nhiên, sau khi dần quen em thấy việc không được sử dụng điện thoại khiến mình và các bạn trò chuyện, chơi với nhau nhiều hơn. Trong giờ học, em cũng tập trung hơn nên hiểu bài và khả năng ghi nhớ tốt hơn”, Nguyễn Ngọc N., học sinh lớp 12, Trường THPT Thanh Oai B (Hà Nội).

Tạ Hùng Cường, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Thanh Oai A, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, trước khi Sở GD&ĐT có quy định siết chặt quản lý điện thoại, nhà trường đã áp nội quy học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu sử dụng và bị giáo viên phát hiện sẽ bị thu lại ngay lập tức. Tùy vào mức độ và lý do sử dụng điện thoại, thời gian thu giữ sẽ từ 1 tuần đến 1 tháng thậm chí là lâu hơn.

Với Cường, điện thoại mang tới trường chỉ để xem thời gian, truy cứu thông tin khi cần thiết và phòng trừ những trường hợp khẩn cấp cần liên lạc với gia đình. “Do đó, quy định, thu điện thoại học sinh từ tiết 1 đến hết giờ em cảm thấy không có vấn đề gì cả, thậm chí học sinh còn tập trung học tập, không bị sao nhãng, làm việc riêng trong giờ học”, Cường nói.

Từ "khó chấp nhận" đến dần quen

Em Lê Ngọc A., học sinh Trường THCS Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ, từ lâu nhà trường đã cấm không cho học sinh sử dụng điện thoại trong thời gian học tập trên lớp. Những bạn lén lút sử dụng sẽ bị giáo viên thu và báo với gia đình.

Theo Ngọc Anh, em và các bạn cảm thấy khó chấp nhận được việc bị thu giữ điện thoại. Tuy nhiên, học sinh đến trường vì mục đích học tập nên cần phải chấp hành quy định không sử dụng điện thoại nếu không được giáo viên cho phép để tập trung nghe giáo viên giảng bài. Em cũng cho rằng, ngoài mục đích học tập, nhiều bạn hiện nay sử dụng điện thoại để chơi điện tử, lướt mạng xã hội… và việc đó tiêu tốn rất nhiều thời gian.

Tại nhiều trường học khác trên địa bàn Hà Nội, vẫn có tình trạng học sinh lén sử dụng điện thoại trong trường học. Ngoài chơi game, lướt website, nhắn tin…, đã có những học sinh dùng điện thoại quay lại những clip bê bối diễn ra trong lớp như: thầy giáo chửi học trò “mày - tao” ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, học sinh có hành vi thân mật phản cảm với cô giáo ở Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên, cô giáo túm cổ áo kéo lê học sinh ở THPT Đa Phúc…

Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, thiết bị điện thoại rất hữu ích, học sinh có thể tiện liên lạc với người thân đưa đón hoặc tra cứu tài liệu để học tập nhưng lạm dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học.

Do đó, trước khi Sở GD&ĐT Hà Nội “cấm” học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học khi chưa được phép của giáo viên, nhà trường đã có quy định, các em không được phép sử dụng điện thoại tùy ý với mục đích để các em tập trung học tập. Tuy nhiên, trên thực tế thi thoảng vẫn có học sinh lén lút sử dụng.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, việc siết chặt quản lý điện thoại, thiết bị công nghệ của học sinh trong giờ học là cần thiết. Bởi vì trước đó qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng học sinh mang điện thoại vào lớp sử dụng với nhiều mục đích khác nhau ảnh hưởng đến chất lượng học tập.