Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách cập nhật trong đó liệt kê 67 con tàu bị cáo buộc đã lén lút chuyển xăng dầu cho các tàu Triều Tiên hoặc chở than từ Triều Tiên. Các công ty Trung Quốc mới bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận là Công ty vận tải biển quốc tế Haibo Đại Liên và Công ty chuyển tiếp quốc tế Danxing Liêu Ninh.
Mỹ cho rằng 2 công ty này đã giúp Triều Tiên vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và quốc tế. Lệnh trừng phạt sẽ cấm mọi giao dịch của Mỹ với những công ty này và đóng băng tất cả tài sản của họ có tại Mỹ.
Washington đưa ra thông báo này 3 tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được nhất trí vì hai bên không chịu nhượng bộ trước đòi hỏi của nhau.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói rằng bước đi này không phải là sự gia tăng sức ép với Triều Tiên, mà chỉ là duy trì thực thi các biện pháp trừng phạt hiện tại, để nhắc nhở rằng Washington sẽ không nhượng bộ trước đòi hỏi của Triều Tiên, và các công ty sẽ không thể che giấu bất kỳ hoạt động lén lút nào với Bình Nhưỡng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhắc lại quan điểm này trên Twitter. “Tất cả mọi người nên chú ý và xem lại hoạt động của mình để bảo đảm không vi phạm cấm vận đối với Triều Tiên”, ông nói.
Dù chính quyền Trump đang thương lượng một thoả thuận thương mại với Trung Quốc, ông Bolton không ngần ngại nêu thẳng tên Bắc Kinh khi nói về vấn đề cấm vận. “Trung Quốc có thể thực sự giữ chìa khoá cho vấn đề này nếu họ gây sức ép với Triều Tiên đủ mạnh”, ông Bolton nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Breibart hôm 21/3.
Hàn Quốc hứng hậu quả
Sau khi Mỹ thông báo trừng phạt 2 công ty Trung Quốc, Triều Tiên thông báo sẽ rút khỏi văn phòng liên lạc chung ở gần khu vực phi quân sự với Hàn Quốc.
Yonhap dẫn thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra hôm qua nói rằng quyết định của Triều Tiên là do “ý kiến từ lãnh đạo cấp cao”.
Trong trao đổi với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng nói rằng họ sẽ không phiền nếu các đại diện của Seoul tiếp tục “ở lại văn phòng” được đặt tại Kaesong, phần đất của Triều Tiên nằm gần biên giới giữa hai miền.
Văn phòng này được lập nên sau khi ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau tại khu phi quân sự trong một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử vào năm ngoái, nối tiếp bằng cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ông Kim và ông Trump tại Singapore.
Bình Nhưỡng nói rằng họ sẽ thông báo với Seoul về “các vấn đề thực tế khác trong tương lai”. Trong tuyên bố đưa ra, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng nước này lấy làm tiếc về quyết định của Bình Nhưỡng, và thúc giục Triều Tiên sớm trở lại và tiếp tục công việc tại văn phòng liên lạc nhằm đạt được hoà bình hoàn toàn.
Triều Tiên vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai trực tiếp nào về quyết định này.
Ông Chad O'Carroll, một nhà phân tích và giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu và Korea Risk Group, cho rằng với bước đi này, Triều Tiên muốn gửi đi thông điệp rằng Seoul sẽ phải gánh hậu quả từ quan hệ Mỹ - Triều Tiên, và rằng đối thoại liên Triều ngày càng trở nên vô nghĩa “khi các biện pháp cấm vận ngăn cản hợp tác thực tế”, CNN đưa tin.
Các nhà phân tích cho rằng quyết định của Triều Tiên có vẻ nhằm gây sức ép với Hàn Quốc phải thuyết phục Mỹ hạ bớt đòi hỏi đối với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hoá đang bế tắc.
“Họ có vẻ đang gây sức ép lên chính phủ chúng ta phải đóng vai trò chủ động hơn trong việc thu hẹp khác biệt về phi hạt nhân hoá và nới lỏng trừng phạt. Tôi nghĩ thông điệp của họ là cần có một thoả thuận ý nghĩa giữa Mỹ và Triều Tiên để văn phòng liên lạc hoạt động bình thường”, Yonhap dẫn lời GS Lim Eul-chul, công tác tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam,
Hàn Quốc.