Trả lời phỏng vấn báo giới, Thư ký Hội đồng An ninh Nga - Nikolai Patrushev cho biết: "Tất cả các mục tiêu mà Tổng thống Vladimir Putin đặt ra sẽ được thực hiện. Không thể khác được, vì sự thật, kể cả sự thật lịch sử, đều đứng về phía chúng tôi".
"Chúng tôi không bị ràng buộc về hạn chót", ông Patrushev nói, đồng thời nhắc lại mục tiêu chiến dịch quân sự của Nga. "Chủ nghĩa phát xít phải bị tiêu diệt 100%. Nếu không nó sẽ trỗi dậy chỉ sau một vài năm, thậm chí còn mạnh mẽ hơn."
"Để phi phát xít hóa cần có nhiều biện pháp", ông Patrushev nhận định. Đề cập đến Hội nghị Potsdam năm 1945, khi Liên Xô, Anh và Mỹ đồng ý loại bỏ hoàn toàn Đức quốc xã. "Không chỉ xét xử tội phạm Đức quốc xã, các nước đồng minh khi đó còn xóa bỏ những điều luật của Đế chế thứ ba, trong đó cho phép phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và chính kiến.
Trong quá trình giải phóng Ukraine khỏi tư tưởng phát xít hiện nay, chúng tôi cũng đang theo đuổi những mục tiêu giống như năm 1945. Nhưng lần này, Mỹ và Anh lại quay lưng với chúng tôi, và hành xử theo hướng hung hăng trong mối quan hệ với hầu hết các nước."
Phương Tây "sẽ không dỡ bỏ lăng kính màu hồng" của họ cho đến khi những người theo tư tưởng phát xít ở Ukraine bắt đầu hành xử hung hãn trên đường phố của họ, ông Patrushev nói, bình luận về những nghi ngờ của phương Tây về sự tồn tại của tư tưởng phát xít ở Ukraine.
Ông cũng cho biết Ukraine đang bị phương Tây lợi dụng để kiềm chế Nga. "Kịch bản lý tưởng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - khối quân sự do Mỹ dẫn đầu - dường như là một cuộc xung đột âm ỉ bất tận."
Quan chức Nga nhấn mạnh rằng "tương lai của Ukraine sẽ được quyết định bởi người dân nước này". Nga "không bao giờ quyết định số phận của các quốc gia có chủ quyền", mà ngược lại, đã giúp các quốc gia khác nhau đứng lên bảo vệ chủ quyền của họ. "Chúng tôi đã giúp đỡ Mỹ trong Nội chiến. Giúp đỡ Pháp nhiều lần, cứu Paris 2 lần trong Thế chiến thứ nhất", ông Patrushev nói. "Tuy nhiên, ngày nay phương Tây đang làm mọi thứ có thể để làm lu mờ đi những đóng góp của đất nước chúng tôi trong việc bảo vệ các quốc gia khác", ông Patrushev kết luận.
Về việc Thụy Điển, Phần Lan đăng ký gia nhập NATO
Phần Lan và Thụy Điển sẽ được gia nhập NATO bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia, "bởi vì Washington đã quyết định như vậy", ông Patrushev nói.
"Phần Lan và Thụy Điển được thuyết phục gia nhập NATO vì lợi ích an ninh của họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia phản đối kế hoạch này, nhưng dù sao thì Helsinki và Stockholm cũng sẽ được gia nhập khối, bởi vì Washington và Brussels đã quyết định như vậy."
NATO "không phải là một liên minh phòng thủ, mà là một khối quân sự hiếu chiến", ông Patrushev cáo buộc. Nga sẽ coi bất kỳ sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự nào của NATO sang Phần Lan và Thụy Điển là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh và chúng tôi sẽ đáp trả."