Nếu tới London (Anh), bạn có thể ghé thăm quán cà phê Ziferblat tại khu Shoreditch. Ở đây, khách hàng được thoải mái ngồi ghế bành, nấu nướng, pha cà phê hay dùng wifi hay chơi đàn miễn phí. Tất cả những gì bạn phải trả là phí chỗ ngồi, 1,35 bảng Anh (khoảng 47.000 đồng) cho 45 phút. Sau đó, bạn được phép làm bất kỳ điều gì mình muốn với đồ đạc trong cửa hàng, Business Insider cho biết.
Người dân London rất hào hứng với mô hình này. Tờ Time Out tỏ ra ngạc nhiên vì trong tủ bếp có để hành tươi. Còn Guardian băn khoăn liệu đặt piano có phải là ý kiến hay không.
Ziferblat (có nghĩa là mặt đồng hồ trong tiếng Nga và Đức), là ý tưởng của Ivan Mitin (Nga). Anh đã mở cửa hàng đầu tiên tại Moscow năm 2011. Mô hình này thành công đến nỗi Mitin đã phát triển thêm 9 cửa hàng khác nữa trên cả nước.
Mitin cho biết anh lấy nguồn cảm hứng từ Internet. Các quán cà phê này được anh gọi là "mạng xã hội trong thế giới thực". Đây không chỉ là nơi để mọi người đến uống cà phê, mà họ còn có thể tổ chức sự kiện. Sự tự do và nhấn mạnh vào yếu tố cộng đồng là lý do Ziferblat trở nên độc đáo.
Mô hình Ziferblat được coi như một "mạng xã hội trong thế giới thực". Ảnh: Fastcoexist
London là chi nhánh đầu tiên của Ziferblat ngoài Nga và Ukraine. Mở một quán cà phê thế này tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới có vẻ bất khả thi. Tuy nhiên, Mitin cho biết mấu chốt vấn đề chính là sự thử thách. "Nếu Ziferblat có thể thành công tại London, điều đó có nghĩa chúng tôi sẽ kinh doanh được tại bất cứ đâu rẻ hơn", anh nói.
Cửa hàng của Mitin tại London khá kín đáo. Anh cho biết đây là một trong những không gian nhỏ và ấm cúng nhất mình từng mở. "Thật vui là mọi người ở đây hiểu được ý tưởng, không khí của Ziferblat nhanh và sâu sắc hơn tại Nga. Họ không cười to khi cả quán yên tĩnh, hay thỉnh thoảng phạt trẻ con đứng góc như ở nước tôi. Họ tự pha cà phê, trà và rửa cốc chén. Có vẻ như người London đã quá mệt mỏi với việc chi tiêu và chẳng muốn đóng vai 'khách hàng' nữa", anh nói.
Mitin cho biết họ vẫn sẽ có lợi nhuận, miễn là duy trì được một lượng khách hàng thân thiết thường ở lại lâu trong quán, và thỉnh thoảng kêu gọi đóng góp. Dù sao, anh cũng chỉ coi đây là một dự án cộng đồng, thay vì mô hình kinh doanh. Nếu thành công tại London, Mitin sẽ nhắm tới mục tiêu tiếp theo, tham vọng hơn, đó là New York (Mỹ).
Theo Hà Thu