Phượt thủ có tiếng viết về vụ Huyền Chip đi 25 nước

Blogger đồng thời là một dân phượt có có tiếng, Rosie Nguyen đã chia sẻ một bài viết dài trên mạng xã hội nhằm trả lời những thắc mắc của cư dân mạng xung quanh câu chuyện của Huyền Chip.

> Huyền Chip: 'Tôi không phải chứng minh mình nói thật'
> Huyền Chip lý giải việc kiếm tiền ở sòng bạc

Tại sao Huyền Chip lại nổi tiếng dường ấy? Thứ nhất, em ấy biết cách để tự lăng xê bản thân. Thứ hai, em ấy có mối quan hệ khá thân thiết với báo giới, khiến việc PR tên tuổi Huyền Chip chuyên nghiệp và dễ dàng hơn. Thứ ba, bản thân Huyền là một người có nhiều kỹ năng khá, như kỹ năng viết lách, kỹ năng xin việc làm, kỹ năng phượt... Mình dùng từ kỹ năng chứ không phải tài năng. Vì những gì Huyền thể hiện chưa đến mức gọi là tài năng. Vì mình biết những điều đó không chỉ riêng Huyền mà bất kỳ người nào cũng có thể trau dồi được qua thời gian.

Mới đây, Huyền Chip ra mắt tập 2 củaXách ba-lô lên và đi với tựa đề Đừng khóc ở châu Phi. Mình chưa đọc hết tập 1 của Xách ba-lô lên và đi và cũng không có ý định mua tập 2, đơn giản vì mình không thích giọng văn của em ấy lắm. Nhưng mình không hiểu sao một số bạn lại nghi ngờ tính chân thực của những câu chuyện đó.

Đến Trần Ngọc Thịnh, một Fullbrighter (người từng được học bổng Fullbright của chính phủ Mỹ) được khá nhiều người theo dõi cũng bày tỏ sự ngờ vực, nhưng với giọng điệu nhẹ nhàng.

Là một phượt tử (có tuổi mà chưa có tên), nghiên cứu khá kỹ về xuất nhập cảnh, visa, du lịch, đi bụi và các vấn đề liên quan, mình thấy những suy luận phản bác Huyền Chip thực sự hết sức buồn cười. Những người nghi ngờ Huyền Chip là những người chưa hiểu gì về cái gọi là đi bụi. Vì vậy, mình muốn đính chính một số điều mà người trẻ hay nhầm tưởng, không phải để bênh vực cho Huyền Chip, mà là để giúp những người muốn đi mà chưa đi được có cái nhìn đúng đắn hơn về phượt.

Một, 700 USD đi vòng quanh thế giới: Tiếng Anh có hai từ riêng biệt: "traveller" và "tourist", để phân biệt hai kiểu du lịch. Cùng là đi, nhưng kiểu tourist mà người Việt thường biết là những người du lịch nghỉ dưỡng, ở khách sạn, thăm danh lam thắng cảnh, mua quà cáp biếu bạn bè, và trở về. Còn traveller là những người đi để hiểu về văn hóa bản địa, để kết bạn với dân địa phương, để làm giàu vốn sống của mình. Traveller tránh những nơi đông khách du lịch, ăn ở lăn lóc cùng dân bản xứ, khám phá những vẻ đẹp mà tourist không thể nào thấy được.

Dĩ nhiên bạn không thể một chuyến chỉ với 700 USD trong túi. Nhưng bạn có thể travel với số tiền còn ít hơn thế. Câu chuyện của Huyền Chip thực sự không có gì nổi bật ở các nước châu Âu, nơi việc nghỉ làm đi bụi vài năm về làm tiếp là chuyện thường ngày ở huyện. Với sự trợ giúp của các trang web chuyên về lữ hành, có thể xin đi nhờ, xin làm việc để đổi lấy chỗ ngủ và thức ăn, hoàn toàn không mất tiền.

Các bạn trẻ phản đối Huyền Chip chắc không hề biết rằng có một nghề mới nổi ở phương Tây được gọi là dân lữ hành chuyên nghiệp. Những người này đi đến đâu làm việc đến đấy, làm đủ mọi nghề tự do từ viết blog, chụp ảnh, phục vụ, làm báo... tất cả chỉ để kiếm đủ tiền và đi đến địa chỉ tiếp theo, cứ thế phiêu bạt khắp năm châu và sống cả đời trên những con đường lạ.

Khá nhiều người bạn của mình đi lữ hành theo những cách không tốn nhiều tiền như vậy, và họ đã đi nhiều nơi trên thế giới. Mình cũng đã nhiều lần đi bụi và thấy chi phí không cao. Có một sự thật mà chỉ những người đã đi rồi mới biết, đó là bạn không cần có quá nhiều tiền.

Thế nhưng, sai lầm của Huyền Chip ở đây là đã vô tình để cho báo chí PR rầm rộ với danh hiệu: "Chỉ 700 USD đi vòng quanh thế giới", khiến khá nhiều người hiểu nhầm rằng chuyến lữ hành của em có tổng chi phí chỉ 700 USD mà không biết rằng đó thực ra chỉ là số tiền mặt em có trong túi khi mới bắt đầu hành trình, không biết Huyền đã phải cày cật lực, làm lụng khổ sở trên mỗi chặng đường tiếp theo ra sao.

Hai, về visa. Một số bạn ngây thơ phát biểu rằng: "Phải có tay trong bộ ngoại giao mới xin được visa qua 25 nước, hay muốn xin visa phải có ít nhất 5000 USD trong túi. Xin thưa, chỉ có những nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Úc mới yêu cầu chứng minh thu nhập/tài sản khi xin visa. Lý do là vì họ e ngại người Việt xin visa qua được đến đó rồi trốn lại luôn, nên khi có tài sản giá trị lớn ở Việt Nam thì bảo đảm một phần rằng những người này sẽ trở về sau đó.

Còn những quốc gia khác thì hầu như chỉ cần nộp hồ sơ là có thể lấy được. Để đến Sri Lanka, bạn chỉ cần điền vào một cái form trên mạng, nộp 25 USD là có ngay visa Sri Lanka. Muốn lấy visa đến Ấn Độ cần có 40 USD và bộ hồ sơ hợp lệ, thế là bạn có thể đến thăm đền Taj Mahal. Thử xem các nước mà Huyền Chip đã đi qua: Kenya, Ethiopia, Tazania... đa phần là những quốc gia nằm dưới cùng trong bảng xếp hạng GDP đầu người thế giới, họ có gì để lo sợ chứ?

Ba, hậu quả nguy hiểm. Một số người bảo rằng nếu những gì Huyền Chip nói không phải là sự thật, và những câu chuyện của cô kích động người trẻ liều mạng đi bụi, thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Hậu quả thế nào? Nguy hiểm gì chứ? Con vẹt trong lồng luôn cho rằng rừng xanh là nguy hiểm, con ếch trong ao tù luôn sợ hãi xung quanh. Mình thách các bạn trẻ ra đi đấy, cứ liều mạng đi, xem có dám chăng?

Cứ thử đi thử đi, để biết có thực sự nguy hiểm không. Cứ thử đi rồi bạn sẽ biết thế giới bên ngoài tuy có khác biệt so với môi trường của bạn, nhưng ở đâu cũng có nhân loại, ở đâu cũng có tình người. Những người ở các đất nước khác dù màu da màu tóc khác nhau, nhưng sẽ mở rộng vòng tay chào đón bạn, miễn bạn có cái tâm tốt lành, và một chút cẩn trọng hợp lý.

Ngay cả nếu bạn có bỏ mạng trên đường đi như anh chàng Chistopher Mc. Candless trên đường khám phá Alaska hoang dã, thì ít ra sau này tên tuổi của bạn cũng sẽ được dựng thành phim, như bộ phim Into the wild đã tạo cảm hứng cho biết bao nhiêu người đam mê lữ hành trên toàn thế giới. Còn hơn là chết già trong một căn phòng cũ kỹ mà vẫn chưa làm được việc gì đẹp đẽ cho cuộc đời mình.

Theo Zing.vn

Theo Đăng lại