Phượt giữa mùa xuân

TP - Những ngày nghỉ Tết, nhiều bạn trẻ du xuân bằng cách phượt đến Cổng trời Quản Bạ, Cột cờ Lũng Cú, đỉnh núi Fansipan, di tích Tây Yên Tử để khám phá, trải nghiệm.

> Phượt với biển rừng Moldunkiri
> Vết 'đen' sau mỗi chuyến đi

Ấp ủ kế hoạch đi phượt leo núi Fansipan từ lâu nhưng phải đợi đến đợt nghỉ học Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, Nguyễn Thơm, sinh viên năm 3 ĐH Thương Mại (Hà Nội) mới có dịp thực hiện.

Nhưng, với một cô gái tuổi 21, lại chưa từng phượt bao giờ, Thơm gặp rất nhiều khó khăn. “Mình lên kế hoạch từ trước và rủ thêm bạn bè nhưng chẳng có ai đi cùng cả. Mình nghĩ hay là đi một mình”, Thơm nói.

Lên mạng, vào một số diễn đàn của dân phượt, Thơm thấy một nhóm có cùng hành trình với mình nên xin đi cùng. “Mình chẳng quen ai trong nhóm cả. Thích nên mình phải “liều” thôi”, Thơm cười.

Quen nhau qua mạng, hơn chục bạn trẻ cùng thống nhất kế hoạch chinh phục đỉnh Fansipan. Để giữ sức leo núi, nhóm mua vé tàu, thuê xe ô tô đến chân núi. Theo lời giới thiệu, có ba cung đường lên đỉnh Fansipan với mức độ khó, dễ khác nhau.

“Bọn mình chọn hành trình 3 ngày 2 đêm. Nghe nói đường tương đối khó đi, nhưng lại có nhiều cảnh đẹp”, cô gái người Thái Nguyên chia sẻ.

Tuy không quen biết từ trước, nhưng suốt hành trình lên đến đỉnh núi Fansipan, cả nhóm đều quan tâm, chăm sóc nhau. Với một cô gái quen sống ở thành thị, lại nhỏ tuổi nhất trong nhóm và dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng phải quyết tâm lắm, Thơm mới hoàn thành được hành trình lên đỉnh “nóc nhà Đông Dương”.

Cũng may, nhóm có người dẫn đường và mang hành lý. “Cảm giác lên đến đỉnh núi, được nhìn và ôm lấy phiến đá đánh dấu vị trí cao nhất của đất nước thật là tuyệt vời, quên hết cả mệt mỏi”, Thơm chia sẻ.

Thơm trên đỉnh Fansipan.

Nhiều bạn bè của Thơm bày tỏ sự ngưỡng mộ cô, vì bình thường họ quen với hình ảnh Thơm chơi dương cầm yểu điệu. Nhiều bạn ngỡ ngàng khi Thơm tung loạt ảnh chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Với Thơm, chuyến đi cũng để lại nhiều trải nghiệm thú vị.

“Lần đầu leo Fansipan cũng khá ấn tượng, Sín Chải - Trạm Tôn 3 ngày 2 đêm. Mình không thấy mệt lắm. Ngày đầu có thể chưa quen, thỉnh thoảng nghỉ một lát là hồi sức. Chân cứ bước, đích cứ đến gần. Nhiệt độ thấp nhưng mình toát mồ hôi, ướt áo. Nắng là thứ hiếm hoi vì thế mà nó đẹp và rất được mong chờ. Đêm thật lạnh, mình mặc áo len với 3 áo khoác, dán nhiệt đầy đủ mà vẫn không ngủ được... Cuộc hành trình nào, dù dài nhất cũng phải bắt đầu từ bước chân đầu tiên”, Thơm viết trong nhật ký.

Nghỉ ngơi vài ngày Tết với gia đình, Thơm lại xách ba lô lên và đi. Lần này Thơm đi Tây Yên Tử (Bắc Giang), một địa chỉ còn khá mới lạ với dân phượt. Khác với chuyến đi Fansipan, lần này, nhóm của Thơm đi bằng xe máy và phải mang theo hành lý.

Đường đi trơn trượt, Thơm cũng khá sợ. Nhưng trải qua 2 ngày một đêm rong ruổi, cuối cùng nhóm cũng hoàn thành hành trình khám phá am Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên.

Đi giữa mưa xuân và hoa rừng

Với Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Hà Nội) đây đã là lần thứ 3 anh phượt miền núi phía Bắc. Vốn say mê nhiếp ảnh, nên với Tuấn, con đường dù đã đi qua, nhưng mỗi thời điểm lại có một điều hấp dẫn riêng.

Ăn Tết xong, Tuấn cùng với 2 người bạn đi ô tô lên Hà Giang, rồi thuê xe máy và làm một vòng hành trình qua Quản Bạ - Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc – Khâu Vai - Lũng Cú – Sủng Là. Trời mùa xuân, mưa phùn rả rích, lạnh, đường trơn, nhưng sau 5 ngày, Tuấn hoàn thành hành trình, trở về Hà Nội an toàn với kho ảnh đẹp.

“Khổ nhất là ở Khâu Vai, không có nhà nghỉ. Ba anh em phải vượt 20km đường rừng sang Mèo Vạc ngủ qua đêm”, Tuấn chia sẻ. Nhưng bù lại cho những vất vả đó là những trải nghiệm rong ruổi trên rừng núi, những tấm hình ghi lại cảnh hoa đào, hoa mai nở trắng rừng.

“Nếu có thời gian, mình sẽ đi tiếp”, Tuấn khẳng định. Với Thơm cũng thế. Chỉ cần sắp xếp được thời gian, cô lại xách ba lô lên và đi. “Tuổi trẻ phải đi nhiều, khám phá và trải nghiệm nhiều. Đi để hiểu và yêu quê hương, đất nước, con người nước mình”, Thơm chia sẻ.

Theo Báo giấy