Phụ huynh phải vượt qua định kiến

TP - Những tổn thương của cha mẹ trong quá khứ sẽ ảnh hưởng tới cách họ giáo dục con cái sau này. Cùng với đó, người trẻ đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần do sức ép của cuộc sống hiện đại.

Tại hội thảo “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững” do Trường ĐH giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 5-6/12, nhóm tác giả Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã nghiên cứu trải nghiệm bất lợi (TNBL) thời thơ ấu và phong cách giáo dục con của phụ huynh tại Việt Nam.

Một tuổi thơ hạnh phúc là niềm mong mỏi của mọi đứa trẻ khi được sinh ra Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Theo kết quả nghiên cứu, TNBL thời thơ ấu là khá phổ biến, với tỉ lệ 66% cha mẹ đã trải qua ít nhất một loại TNBL thời thơ ấu và gần 15% cha mẹ có nhiều hơn 3 loại. Các loại TNBL thời thơ ấu phổ biến nhất của cha mẹ Việt Nam là chứng kiến bạo lực gia đình (gần 30%), lạm dụng tình dục (gần 25%) và bỏ bê cảm xúc (trên 22%). Điều này đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách giáo dục con sau này.

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa TNBL thời thơ ấu và phong các giáo dục con của cha mẹ, nhóm tiến hành nghiên cứu hai chân dung tâm lí điển hình. Trường hợp của chị H. (chân dung tâm lý thứ nhất) là người mẹ trải qua 2 loại TNBL thời thơ ấu “chứng kiến bạo lực gia đình” và “khó khăn kinh tế - xã hội”. Trong đó, sự "khó khăn kinh tế - xã hội” ở mức độ cao và kéo dài có mối liên hệ rõ nét nhất đến phong cách giáo dục con của chị.

Gia cảnh khó khăn đã khiến chị H. phải nghỉ học giữa chừng để lao vào cuộc sống mưu sinh từ rất sớm. Bởi vậy, làm việc kiếm tiền đã trở thành ưu tiên lớn nhất. Chị ít khi dành thời gian quan tâm đến tâm tư, cảm xúc của con, hướng dẫn con thực hiện các hành vi phù hợp một cách kiên nhẫn, ôn hòa hay tìm hiểu các kiến thức về tâm lí, giáo dục. Một mặt, chị cố gắng rất nhiều để có thể đem lại cho con cuộc sống ấm no về vật chất như hiện tại - điều mà tuổi thơ của chị chưa từng có.

Mặt khác, chị thường xuyên cảm thấy đơn độc vì con không hiểu, không đồng cảm được với những khó khăn, nỗ lực của mẹ, cũng như chị không hiểu, không đồng cảm được với những khó khăn của con và cách con phản ứng.

Những suy nghĩ, cảm xúc đó, cùng với những cảm xúc mà chị đã đè nén trong suốt quá trình lớn lên cho đến bây giờ để có thể đương đầu với nghịch cảnh đã khiến chị rất dễ căng thẳng, bùng nổ cơn giận mỗi khi thấy con có những phản ứng, hành vi mà chị cho là chống đối, không nghe lời, không thương mẹ, không biết ơn và trân trọng những nỗ lực, hi sinh của mẹ.

Trường hợp của chị T. thuộc nhóm chân dung tâm lý thứ hai, là người mẹ mẹ trải qua 7 loại TNBL thời thơ ấu, bao gồm: chứng kiến bạo lực gia đình, lạm dụng cảm xúc, bỏ bê cảm xúc, sống cùng người có ý định tự tử, cha mẹ li hôn, bắt nạt đồng trang lứa và lạm dụng tình dục.

Những TNBL thời thơ ấu trong mối quan hệ với cha mẹ khiến chị ý thức được rằng, trẻ em không chỉ cần được đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn rất cần được chăm sóc về tinh thần. Bởi vậy, chị luôn quan tâm tới việc kết nối với con, đồng hành với con trên cơ sở tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu. Chị dành thời gian tìm hiểu các kiến thức về tâm lí, giáo dục và cũng rất quan tâm tới việc chữa lành những tổn thương tâm lí thời thơ ấu cho bản thân.

Quá trình chữa lành những tổn thương thời thơ ấu đã giúp chị nhìn nhận lại những trải nghiệm đã qua, nhận ra những mô thức tư duy chi phối cảm xúc, hành vi của mình, biết cách quan sát bản thân và quản lý cảm xúc một cách lành mạnh chứ không phải đè nén cảm xúc như chị từng làm trong suốt tuổi thơ.

Từ chân dung của hai người mẹ, nhóm nghiên cứu cho rằng, cách mỗi người quản lí cảm xúc, chữa lành tổn thương cho chính mình, đánh giá, nhìn nhận về trải nghiệm đã qua, quan tâm đến sự trưởng thành về tâm lí của bản thân và của con đã khiến cho TNBL thời thơ ấu ảnh hưởng đến phong cách giáo dục con của mỗi người mẹ theo những chiều hướng khác nhau. Đây sẽ là gợi ý để đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ tâm lí cho các cha mẹ có TNBL thời thơ ấu, giúp họ có phong cách giáo dục con phù hợp.

Tuổi thơ tiêu cực tác động đến nhân cách của trẻ

Nhóm tác giả Đinh Văn Tuệ Anh (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), Lê Anh Đức (Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi T.Ư), Nguyễn Thị Thanh Hà (Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) nghiên cứu từ 714 khách thể là các bệnh nhân có rối loạn tâm thần từ 18 tuổi trở lên đến thăm khám và điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả có trên 57% bệnh nhân từng trải qua ít nhất một trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực.

Lạm dụng tình cảm và bị bỏ mặc về tình cảm có thể được xem là hai trong những trải nghiệm phổ biến nhất trong các nhóm mẫu là bệnh nhân có rối loạn tâm thần. Hai trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực này, được nhiều tác giả gộp chung thành ngược đãi tâm lí.

Đặc điểm chung là các hành vi làm cha mẹ dẫn đến cho trẻ tin rằng mình không được yêu thương, từ đấy tác động lên niềm tin của trẻ vào bản thân, trong mối quan hệ với người khác.

Kết quả nghiên cứu lí thuyết và kết quả nghiên cứu thực tiễn trên nhóm mẫu lâm sàng tại Việt Nam, cụ thể là các bệnh nhân có rối loạn tâm thần đến thăm khám và điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, đã cho thấy tỉ lệ lớn các bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong nhóm ???? đã lớn lên trong môi trường trải nghiệm tiêu cực.

Nhóm tác giả đến từ Trường ĐH Thủy lợi, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã chỉ ra rằng, trong 8 hành vi kiểm soát tâm lí ở học sinh THCS thì hành vi của cha mẹ được học sinh phản ánh cao nhất là kì vọng quá nhiều và so sánh trẻ với người khác. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định tác động tiêu cực giữa kiểm soát tâm lí của cha mẹ với sự hài lòng cuộc sống của học sinh THCS.