Phóng xạ trong không khí ở Việt Nam giảm mạnh

Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nồng độ phóng xạ trong không khí tại nhiều nơi ở Việt Nam giảm mạnh.

Phóng xạ trong không khí ở Việt Nam giảm mạnh

> Đám mây phóng xạ đã lan rộng khắp Đông Nam Á

Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nồng độ phóng xạ trong không khí tại nhiều nơi ở Việt Nam giảm mạnh.

Sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Nguồn: Internet.

Trao đổi với phóng viên sáng 18-4, Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện khoa học kĩ thuật hạt nhân cũng cho hay, nếu không có biến cố gì về hạt nhân tại Nhật Bản, thời gian tới, nồng độ phóng xạ trong không khí ở Việt Nam sẽ còn giảm khi phân tán cùng một số chất khác như nước mưa, không khí…

Tính đến 15 giờ chiều hôm qua (17-4), các trạm quan trắc của Viện Nghiên cứu hạt nhân đo tại Đà Lạt cho thấy, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 (từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (từ bụi đất), còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 với nồng độ rất thấp và có xu hướng giảm mạnh.

Tại Đà Lạt cũng không phát hiện những đồng vị phóng xạ nhân tạo Cs-134 và Cs-137.

Trong mẫu nước mưa lấy ngày 15 - 4 - 2011, quan trắc thấy đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131 ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.

Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy, không có mức tăng phóng bức xạ bất thường trong ngày 17-4 so với ngày 16-4.

Trước đó, ngày 16 - 4, các trạm quan trắc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Hà Nội cũng tiếp tục ghi nhận được I-131, Cs-134 và Cs-137. Trong đó, nồng độ phóng xạ I-131 trong son khí Hà Nội giảm nhiều.

Theo Vũ Huy Hùng
Vietnam+

Theo Tổng hợp