Hiện anh là chủ nhiệm Hợp tác xã trồng nấm Đức Nhuận với 12 thành viên.
Tầm sư học đạo
Năm 1999, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phong theo gia đình vào tận Bình Phước lập nghiệp. Nhưng công việc không thuận lợi, sau năm năm cả nhà trở về quê. Phong còn mắc bệnh thiếu máu cơ tim và gan nhiễm mỡ. Mua thuốc tây uống bệnh thuyên giảm nhưng hết thuốc là bệnh quay trở lại, Phong chuyển sang điều trị bằng đông dược.
Được lương y mách bảo, anh mua nấm linh chi về uống nhưng giá cao quá. Tình cờ một lần lên mạng anh biết Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và các sản phẩm sinh học ở Hà Nội trồng được nấm linh chi nên viết thư hỏi thăm. Cuối năm 2008, Phong quyết định ra Hà Nội học nghề.
Giám đốc trung tâm, bà Nguyễn Thị Chính, cảm thông khi biết Phong muốn học cách trồng nấm linh chi để cứu mình. Nhưng bà lo ngại vì trồng nấm linh chi không đơn giản. Muốn học nghề điều tối thiểu phải xây dựng một phòng thanh trùng cấy phôi nấm. Những điều này quá xa lạ với một nông dân học vấn thấp. Chưa kể theo quy định của trung tâm, muốn học nghề phải đóng khoản lệ phí 25 triệu đồng.
Thế nhưng thấy Phong quả quyết học nghề để may ra cứu mình nên bà Chính bày vẽ. Phong được bà tạo điều kiện ăn ở với gia đình cho đỡ tốn kém. Từ ngày đó, người thanh niên nông dân này làm quen với khái niệm tế bào gốc, với lọ chai thí nghiệm...
Tính Phong cẩn thận, tất cả những điều anh học được, thấy được đều ghi vào nhật ký học nghề. Sau giờ làm việc, khi những cán bộ kỹ thuật của trại nấm về nhà, Phong vẫn cứ luẩn quẩn với công việc. Phong bỏ ra 35 triệu đồng để học kỹ thuật làm nấm bào ngư, nấm sò với suy nghĩ trở về nhà sẽ vừa trồng nấm linh chi để chữa bệnh và trồng các loài nấm khác để kiếm sống.
Mầm nấm cựa mình
Từ Hà Nội trở về, hành trang Phong chẳng có gì ngoài những phôi nấm, chai lọ mà bà Chính cho không, Phong biến chiếc phòng ngủ của hai vợ chồng thành phòng thực nghiệm để cấy phôi nấm nhưng chẳng thu được chiếc nấm nào. Anh lại mượn tiền ra Hà Nội xin học thêm hai lần nữa.
Đến năm 2008, khi tiền của đã cạn mà nấm chẳng lên, Phong đuối sức. Anh nghĩ đến vợ con, đến người mẹ tảo tần nên hạ quyết tâm. Phong vay mượn tiền tiếp rồi ra Hà Nội lần thứ tư. Phó giáo sư Chính đón anh và bắt anh phải trình diễn lại tất cả quy trình trồng nấm. Bà tìm ra nguyên nhân phòng cấy phôi chưa đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh, nấm không mọc được. Trở về nhà, anh lại dồn bao, đóng gói, rồi cấy giống. Nhiều lúc đang làm bệnh tái phát, Phong nằm vật ra sàn nhà.
Tết năm 2009 tại căn phòng mà Phong từng thất bại, chiếc nấm linh chi nhỏ bé hiện ra, Phong vui mừng đến chảy nước mắt. Chị Phạm Thị Lệ Thu - vợ anh - cũng nước mắt lưng tròng. Cả đêm đó vợ chồng thức trắng ngồi chờ xem chiếc nấm trở mình.
Thực hiện “giấc mơ nấm”
Phong bắt tay vào làm nấm và những chiếc nấm linh tiếp sức nên sức khỏe của anh khá dần lên. Còn các loài nấm sò, nấm sọ khỉ bằng cách làm thủ công mỗi ngày cũng thu hoạch được vài chục ký. Phong bàn bạc với vợ rồi đi đến quyết định đầu tư trên 300 triệu đồng thuê đất mở trang trại nấm 1.000m2 trồng nấm bào ngư, nấm sò.
Nghe Phong trồng được nấm và cả “thần dược” linh chi, bà con chòm xóm đến xem. Họ chia vui và muốn Phong chỉ bày. Hiểu tấm lòng của bà con nghèo quê mình nên anh lên xã rồi lên huyện nhờ các ngành chức năng hướng dẫn về thủ tục. Thế là Hợp tác xã trồng nấm Đức Nhuận với 12 thành viên do anh làm chủ nhiệm ra đời.
Tin anh nông dân trình độ lớp 9 trồng được nấm linh chi lan rộng. Trung tâm Khuyến nông huyện rồi Sở Khoa học - công nghệ Quảng Ngãi cử cán bộ vào xem. Sau đó sở quyết định hỗ trợ dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu với lô thiết bị trị giá 1,1 tỉ đồng cho hợp tác xã.
Phong lạc quan: “Bây giờ có thiết bị trong tay, mình sẽ cùng bà con sản xuất đại trà các loại nấm bào ngư, nấm sò, nấm sọ khỉ, đồng thời tại phòng thanh trùng sẽ tiến hành sản xuất nấm linh chi với số lượng nhiều hơn để cung ứng cho các hiệu thuốc bắc và những người từng mang bệnh như mình”.
Theo Võ Quý Cầu
Tuổi Trẻ