> Trò chuyện cùng nữ phó giáo sư xinh đẹp, trẻ nhất VN
> Vì sao GS trẻ nhất Việt Nam 2012 được xét đặc cách?
Theo GS Nhung, năm nay, số giáo sư (GS) trên 60 tuổi, phó GS trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nhiều năm trước.
GS Nhung cũng cho biết: quá trình xét, công nhận rất chặt chẽ, nghiêm túc và khoa học. Sau khi được sàng lọc bởi 3 cấp hội đồng, tỷ lệ các nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là 64% và Phó GS đạt 81%.
Điều đặc biệt của năm nay là có 2 trường hợp thuộc lĩnh vực Toán học được xét đặc cách; Hai hội đồng có số ứng viên nhiều nhất là Hội đồng giáo sư ngành Y học và Kinh tế.
Theo GS Trần Văn Nhung, các tân GS, PGS thuộc các các trường đại học (ĐH) ngày càng chiếm đa số. Số GS chiếm 69, PGS chiếm 77, trên tổng số các nhà giáo được xét tặng chức danh. Tỉ lệ nữ GS là 14%.
Theo Hội đồng chức danh GS Nhà nước, có khoảng 30 gia đình trong đó có bố hoặc mẹ và con cùng là GS hoặc cả hai vợ chồng đều là GS. Gia đình của tân GS Phùng Hồ Hải đã vinh dự góp mặt trong số các gia đình như vậy.
Những người trẻ nhất trong số 427 người được vinh danh là Phó GS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981), TSKH Phùng Hồ Hải (1970), Phó GS. Đỗ Thị Hương Giang (1979), Phó GS Đặng Hoàng Minh (1979) và GS Phạm Hữu Anh Ngọc (1967).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Các GS, Phó GS là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tri thức cho đất nước, góp phần xây dựng nên một thế hệ trẻ say mê học tập, đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chiếm lĩnh những tri thức, làm chủ công nghệ mới, đồng thời có nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.
Đặc cách vì đặc biệt
GS TSKH Phùng Hồ Hải (1970), hiện là Phó Viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã từng được đề nghị xét đặc cách năm 2011 và đây là lần thứ 2 anh được đề nghị xét đặc cách cho chức danh GS vì những thành tích nổi bật của mình.
Ngoài nhiều công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng trên thế giới, Hồ Hải còn được mời làm việc tại các Viện Nghiên cứu Toán - Lý lớn của các nước Italia, Đức và Mỹ. Anh cũng từng được nhận nhiều giải thưởng quốc tế.
Người thứ hai được công nhận đặc cách năm nay là TS. Phạm Hữu Anh Ngọc. TS Phạm Hữu Anh Ngọc (giảng viên Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP HCM) có 45 bài báo khoa học, trong đó có 30 bài đăng ở tạp chí SCI và SCI-E hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, anh có tổng số điểm công trình nhiều gấp 6 lần điểm quy định và đã được nhận học bổng Humboldt của CHLB Đức, học bổng danh giá dành cho các nhà khoa học trẻ (không quá 40 tuổi) có triển vọng.
Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Đây là tiền lệ để xét tặng chức danh GS và phó GS cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc tầm cỡ quốc tế.