Chiều 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã thực hiện kiểm tra tiến độ triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, Đồng Nai.
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đối với dự án thành phần 3 - Sân bay Long Thành giai đoạn 1, ACV đã và đang triển khai đồng bộ các hạng mục và bám sát tiến độ. Hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn và hệ thống giao thông kết nối đã lần lượt được khởi công trong tháng 7 và tháng 8 năm nay.
Hiện trên toàn bộ công trường, các nhà thầu đã huy động gần 3.000 người trong đó trực tiếp hơn 2.000 cán bộ, chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc để tập trung thi công 4 gói thầu chính, bao gồm: Gói thầu san nền thoát nước, gói thầu Nhà ga hành khách, gói thầu khu bay, đường cách hạ cánh, đường lăn sân đỗ máy bay và gói thầu giao thông kết nối.
Ông Nguyễn Tiến Việt - Phó Tổng Giám đốc ACV - cho biết, đến nay hợp đồng các gói thầu đều bảo đảm về tính pháp lý. Bảng tiến độ tổng thể đã được lập, không gian thi công giữa các dự án, hạng mục thành phần được điều phối phù hợp, không gây xung đột.
Lãnh đạo ACV kiến nghị các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành khẩn trương bàn giao dứt điểm mặt bằng cho 2 tuyến đường công vụ chính phục vụ dự án, tránh tình trạng "xôi đỗ".
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ bản tỉnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án sân bay Long Thành, riêng 2 tuyến đường nối sân bay, địa phương sẽ bàn giao toàn bộ diện tích vào cuối tháng 10. Tuyến T1 và tuyến T2 sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng vào giữa tháng 11. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sau khi bố trí tái định cư cho các hộ dân trong dự án sân bay Long Thành thì còn dư hơn 1.800 lô đất. Do vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép bố trí các hộ dân bị giải tỏa nhà đất làm tuyến T1, T2 được bố trí tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Theo Phó Thủ tướng, Cảng HKQT Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ và người dân quan tâm. Do đó các nhà thầu cần tăng tốc, đảm bảo tiến độ thực hiện các hạng mục để đưa dự án về đích đúng hẹn. Ông nhấn mạnh: Đây là một công trình có tính lịch sử đối với ngành giao thông, là bước nhảy mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thực tế chưa có công trình nào ở Việt Nam sánh được với sân bay Long Thành về kỹ thuật, quy mô, tổng mức đầu tư. Nếu dự án về đích chúng ta sẽ chứng minh được năng lực của các nhà thầu Việt Nam để trong tương lai, các nhà thầu này tiếp cận được thêm nhiều dự án lớn. Do đó cần đôn đốc nhân lực tăng tốc ở tất cả các hạng mục, không được phép chậm trễ.
“ACV cần xây dựng được sơ đồ tổng thể về công tác thi công, quản lý sâu sát, nhắc nhở các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý. ACV phải áp dụng năng lực quản lý, tiêu chuẩn quản lý trên toàn bộ dự án. Ai làm tốt phải được khen thưởng động viên, ai làm sai sẽ bị xử phạt, kỷ luật. Nhà thầu nào yếu kém sẽ cho rời khỏi công trình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, đến nay chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản khắc phục các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bàn giao mặt bằng thi công, đường công vụ, bảo đảm điều kiện pháp lý cho các gói thầu, xây dựng tổng sơ đồ tiến độ, cơ chế phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và tư vấn giám sát, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai các dự án, hạng mục quan trọng…
Đối với dự án thành phần 3 (xây dựng các công trình thiết yếu), Phó Thủ tướng yêu cầu ACV tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý dự án, bao gồm xây dựng sơ đồ tiến độ tổng thể về không gian và thời gian kèm theo công cụ; tăng cường trách nhiệm của tư vấn giám sát kỹ thuật, áp dụng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý hiện đại; kịp thời giải quyết các xung đột trong quá trình thi công dự án, hạng mục thành phần
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, uy tín để thực hiện dự án thành phần 4 (khu bảo trì máy bay, khu suất ăn, khu bảo trì phương tiện mặt đất, trung tâm điều hành của các hãng hàng không); đẩy nhanh việc thực hiện dự án thành phần 1 (các công trình, trụ sở cơ quan Nhà nước); kiểm tra, nghiệm thu chất lượng tại công trường; bảo đảm yêu cầu phòng, chống cháy, nổ chặt chẽ, nghiêm minh theo tiêu chuẩn cao nhất cũng như đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường.