Hẩm hiu
Chiều tối cuối tuần, dãy phố Tạ Hiện chuẩn bị bắt đầu một đêm kinh doanh. Bàn ghế được bày đặt ra gần giữa phố. Nơi đây vốn là địa điểm hot, thu hút rất đông giới trẻ và người ngoại quốc đến ăn uống, tụ tập vào buổi đêm. Phố cũng có các quán bar, nhạc sống…phục vụ du khách. Dạo một vòng, nhiều chủ quán tranh thủ lúc vắng khách ngồi chơi… điện thoại.
Thấy chúng tôi đi qua, một nhân viên quán ăn Phúc Lâm, số 5 Tạ Hiện mời chào vào ăn lẩu. Giới thiệu là phóng viên, nam nhân viên tên T. chia sẻ thật: Ế lắm anh ơi, bây giờ không còn như trước đây nữa. T. kể, từ ngày có dịch Covid-19, cửa hàng chỉ kinh doanh được khoảng 1 - 2 phần so với trước đây. Nhân viên của quán, trước đây khoảng hơn chục người, mới được chủ quán cho giảm xuống hơn nửa để giảm chi phí.
“Chúng em là nhân viên cũng áp lực lắm. Không có khách thì không có tiền”, T. nói. Ngồi quán suốt 30 phút, thỉnh thoảng mới có khách đi qua. T. và một số anh em nhân viên cố gắng mời chào, cả bằng tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, nhưng không ai ghé quán. Bên cạnh, chỉ có hai thanh niên Việt Nam gọi một nồi lẩu.
Trò chuyện với phóng viên, người quản lý quán Phúc Lâm chia sẻ, quán thường mở cửa từ 11h trưa đến khoảng hơn 24h, thậm chí muộn hơn. Ngày bình thường, phục vụ không xuể khách. Nhưng thời điểm hiện tại, nhân viên thường đứng không là chủ yếu. Vì thế, cũng chỉ đến khoảng 22- 23h là cửa hàng đóng cửa, thậm chí có hôm còn đóng cửa sớm hơn.
“Em cứ hình dung, phố Tạ Hiện này vào buổi tối chật kín người, đi qua đi lại còn khó. Thậm chí, đứng đầu này không nhìn thấy đầu kia của phố. Bây giờ thì vắng ngắt”, người này nói.
Vừa trò chuyện với phóng viên, vị này vừa chuẩn bị nấu cơm tối. Thấy thế, một nhân viên đùa, sao không ăn món cao cấp hơn. Trả lời nhân viên, người này bảo: Bây giờ ăn thế này đã chết, ăn sang trọng có mà sạt nghiệp. Theo ghi nhận của phóng viên, chiều muộn cuối tuần, lượng người đổ về Tạ Hiện không đông như trước. Nhiều cửa hàng thậm chí không có khách.
“Nếu cứ thế này thì chết đói”
Hơn 21h, phóng viên trở lại phố Tạ Hiện. Nhiều hàng, quán vẫn có khách, nhưng đa phần là du khách nước ngoài. Ước tính, lượng người đổ về đây giảm khoảng một nửa so với trước kia. Bằng chứng là khu vực ngã tư giao giữa phố Gia Ngư - Đinh Liệt lèo tèo vài khách gửi xe. Người trông giữ xe ở đây cho biết, nếu ngày bình thường, cả dãy phố này nhận trông hàng trăm xe, giờ chỉ ngồi đây giữ hộ xe hàng xóm.
“Nếu không phải ngày cuối tuần, chỗ này giờ chỉ còn 2 - 3 xe của nhà. Bây giờ dịch thế này, không ai lên phố nữa. Họ về nhà ăn cơm với gia đình hết rồi”, nhân viên trông xe chia sẻ. Anh này cho rằng, từ trước đến nay, chưa bao giờ thấy tình trạng vắng khách như thế. Bình thường, khu vực này và những khu vực xung quanh như Hàng Bạc, ngã ba Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện đuổi đi còn không hết người gửi xe, giờ không kiếm được ai. Nhiều cửa hàng đóng cửa sớm từ 21h. Ngay cả khu vực quanh hồ Gươm, vốn tập trung nhiều địa điểm gửi xe cũng vắng ngắt.
Chỉ có 3 vị khách nước ngoài ghé quán, bà chủ quán ăn số 3 Tạ Hiện vẻ mặt khá buồn. Chia sẻ với phóng viên, chị này cho biết, từ ngày có dịch, du khách cũng hạn chế lên phố. Vì thế, quán của chị giảm thu nhập nhiều. Bên cạnh, nhiều hàng quán cũng lèo tèo vài vị khách. Bình thường, quán nhà chị hiếm khi có bàn trống, mà giờ tới 60 - 70% là không có khách.
Ghi nhận của phóng viên, dọc một số phố như Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, nhiều hàng quán vẫn có khách nhưng không đông như đợt trước. Có những quán lượng bàn trống gần 50%. Một nhân viên nhà hàng trên phố Lương Ngọc Quyến chia sẻ, trước đây nhân viên làm không hết việc, nhưng bây giờ không thấy ai ghé quán. “Từ tối đến giờ mới được một vài bàn, còn lại vắng hết”, nam nhân viên nói.
Chủ một số cửa hàng trên phố Tạ Hiện cho biết, nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng như hiện nay thì nguy cơ phải đóng cửa hàng, hoặc giảm kinh doanh vì không duy trì được lâu. Cũng theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, các khu phố nổi tiếng ban đêm vì nhiều dịch vụ ăn uống, vui chơi trong phố cổ Hà Nội khá im ắng. Ngay cả khu ăn đêm nổi tiếng như Đào Duy Từ, hay như khu vực Nhà thờ lớn Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm cũng ít khách… “Đợt này, chúng tôi hay phải đóng cửa sớm”, chủ cửa hàng phở đêm trên phố Đào Duy Từ nói.
Chủ một số cửa hàng trên phố Tạ Hiện cho biết, nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng như hiện nay thì nguy cơ phải đóng cửa hàng, hoặc giảm kinh doanh vì không duy trì được lâu.