Trong phiên Giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên sáng 29/12, đại biểu Lê Như Tiến chia sẻ: Qua báo chí, ông được biết Bộ Nội vụ có các dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã ở các huyện nghèo, 500 trí thức trẻ về các xã nghèo để phát triển miền núi, nông thôn. “Chúng tôi được biết một số thành viên của dự án này sau 3 – 5 năm quay trở về không có việc làm. Bộ đánh giá thế nào về điều này?”, ông Tiến nêu câu hỏi.
Tô Văn Học (trái) - một trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã Cao Phạ (Mù Cang Chải - Yên Bái). Ảnh chụp năm 2013.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, "dự án 600" được thực hiện từ năm 2011. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng đánh giá về kết quả thực hiện. “Từ nay đến khi kết thúc dự án (tháng 7/2016), các đội viên vẫn cơ cấu chức danh theo đề án, nghĩa là Phó Chủ tịch xã, mặc dù theo Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ đầu năm 2016 thì xã loại 2, loại 3 chỉ có một Phó Chủ tịch”, ông Thăng nói.
Tuy nhiên, theo ông Thăng, các đội viên khi được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ đều được bố trí công việc. “Khi Luật về tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, tức mỗi xã có một Phó Chủ tịch, thì các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được đưa vào biên chế công chức cấp xã, huyện… để đảm bảo tất cả những người hoàn thành nhiệm vụ đều được bố trí công việc”.
Ông Thăng cũng thông báo về "dự án 500" mới thực hiện từ tháng 9/2013 nên chưa đủ cơ sở để đánh giá. “Theo tinh thần chung, đây là những dự án của trí thức trẻ, có sự dấn thân, tình nguyện, xung kích nên cần có sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Khi phát sinh vấn đề phức tạp chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng”.