Phim Việt năm 2013: Doanh thu vẫn là bài học 'khó thuộc'

Trừ một, hai phim độc lập có chất nghệ thuật cao như Homostratus (tạm dịch: Phận người) của Síu Phạm, chưa thể ra rạp, có thể nói phim Việt năm 2013 hoàn toàn tư duy theo hướng giải trí để bán vé.

Phim Việt năm 2013: Doanh thu vẫn là bài học 'khó thuộc'

> Thần tượng sụp đổ
> Tèo em - chuyến du hành của những người khùng

Trừ một, hai phim độc lập có chất nghệ thuật cao như Homostratus (tạm dịch: Phận người) của Síu Phạm, chưa thể ra rạp, có thể nói phim Việt năm 2013 hoàn toàn tư duy theo hướng giải trí để bán vé.

Đây là một tư duy đúng và đáng tôn trọng trong một nền điện ảnh mà “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nhưng bán vé đâu phải chuyện dễ.

Năm 2013, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, điện ảnh Việt đã làm được khá nhiều phim, với hơn 10 phim ra rạp. Không tính Mỹ nhân kế và Nhà có năm nàng tiên chiếu dịp Tết 2013 vốn thuộc năm 2012, doanh thu 2013 nhìn chung bi đát, nhiều phim lỗ nặng như Đường đua, Lửa Phật, Tiền chùa... Năm nay, một số phim hài có thể thu hồi vốn như Tía ơi!, Đại náo học đường…, hoặc có doanh thu cao như Tèo Em (ĐD: Charlie Nguyễn) đang làm mưa làm gió ngoài rạp. Ước mơ của phim này là đạt doanh thu trên 2,5 triệu USD - kỷ lục về bán vé tại Việt Nam.

Tèo Em là phim Việt hiếm hoi có doanh thu tốt.

Khán giả Việt thích phim Việt, nhưng...

Nhìn cảnh khán giả xếp hàng trong vài suất đầu tiên để ủng hộ phim Việt ra rạp, chứng tỏ họ không dửng dưng với điện ảnh nước nhà, nhưng bán vé dài lâu không chỉ cần tình cảm “giống nòi”. Bởi ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội… thời gian của khán giả ngày càng ít đi, đến rạp xem phim cần phải thu xếp trước vài ngày hay cả tuần, mà xem nhầm phim dở quá thì uổng phí, nên buộc họ phải cân nhắc. Thứ nhất, các diễn đàn và mạng xã hội là nơi để họ có quyết định đi xem hay không, nếu các nơi này ơ hờ hoặc chê bai thì chỉ sau 2-3 ngày ra rạp, số suất chiếu sẽ giảm một cách thấy rõ, có khi chỉ còn 1/5. Một vài diễn đàn “mê phim” còn cắt cử đại diện của mình - vốn là những người có con mắt xem phim “cú vọ” - đi khảo sát trước, nếu hay thì các thành viên còn lại đi xem sau.

Thứ hai, bối cảnh toàn cầu hóa đang lan tỏa và sẻ chia mọi tiện ích, nên quan niệm về bản sắc cũng đã thay đổi. Theo kết luận năm 2012 của một trung tâm nghiên cứu về xã hội học tiêu dùng Singapore, với những người trẻ hiện nay chỉ có hai loại sản phẩm: chất lượng, hoặc không chất lượng, còn quốc gia sản xuất đã là thứ yếu. Vậy thì phim Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… hay Việt Nam không quan trọng bằng việc nó có hấp dẫn hay không.

Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, khán giả Việt dù vẫn thích phim Việt, nhưng họ phải so đo, mà chọn lựa thường nghiêng về phim ngoại nhập, do chất lượng vượt trội hơn.

“Mãi lực” là vướng mắc

Mãi lực về tiêu dùng văn hóa nghệ thuật vẫn là bài học “khó thuộc” của thị trường Việt Nam. Cũng giống như sự ế ẩm về sách vở, băng đĩa, sân khấu hay hội họa..., tỷ lệ hòa vốn và có lãi của phim Việt năm 2013 chưa tới 20%, rất đáng buồn, nhưng nó cũng phản ánh được sức mua chung.

Điều này đúng với cả phim ngoại nhập, năm 2013 có hơn 150 phim thuộc diện tuyển lựa, thế nhưng doanh thu trên 1 triệu USD/ 1 phim thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn chung, với 90 triệu dân và nền kinh tế đang phát triển chậm, mãi lực về văn hóa của người Việt còn rất thấp.

Mùa Giáng sinh 2013 có hai phim ra rạp, nhưng gây bất ngờ là Thần tượng (ĐD: Quang Huy), vì nó thuộc về một ê-kíp mới. Phim tâm lý xã hội này hay, nhất là khoảng 30 phút trước khi đi vào đoạn kết, nó đã lấy nước mắt người xem bằng câu chuyện chân thật, cách diễn có cảm xúc, lời thoại khá sắc sảo… Thế nhưng đối thủ cạnh tranh của nó lại là Tèo Em, thuộc một ê-kíp có tay nghề và kinh nghiệm dày dặn hơn. Khi mới ra rạp, nhiều người hi vọng hai phim sẽ làm nên một cuộc đua phòng vé, mà kết quả chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, nhưng đó là hi vọng hơi lãng mạn. Tèo Em có kịch bản nộng cạn, nhưng nó ưu trội hơn Thần tượng ở khả năng tập trung vào chủ đề chính: hài hành trình, “hài là chính”.

Rõ ràng phim chỉ tập trung vào khả năng diễn xuất quái chiêu của Thái Hòa (trong vai Tèo Em) - “ông hoàng” phòng vé hiện nay. Nói không ngoa, đây là kiểu phim một nhân vật, đúng như tựa của nó, tất cả các vai và tuyến nhân vật còn lại đều nhằm tôn cao tiếng cười từ chính Tèo Em. Phải là một đạo diễn từng trải và một ê-kíp chuyên nghiệp mới có thể làm được một phim tập trung như vậy. Xét ở khía bán vé, Thần tượng lép vế cũng là điều dễ hiểu, vì dường như khán giả bây giờ thích những phim tập trung và bám sát được thể loại. Đây là chưa nói khả năng làm trailer, teaser, các ngôi sao và công tác truyền thông, Tèo Em đều hơn hẳn.

Với mãi lực yếu và sức thu hút thiên về phim hài, tương lai của điện ảnh Việt, chỉ xét khả năng bán vé, vẫn còn là bài học khó thuộc.

Theo Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Theo Đăng lại