Phim ngắn phản cảm, gây sốc mọc như 'nấm sau mưa'

TPO - Bên cạnh những phim ngắn có nội dung tích cực, được đầu tư, mang giá trị cao còn đó không ít phim chứa nội dung phản cảm, mang thông điệp tiêu cực. Những phim ngắn với nội dung gây sốc lại thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của một bộ phận khán giả và được sản xuất, phổ biến tràn lan trên mạng xã hội. 

Nội dung gây sốc

Tại hội nghị giao ban với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương quý I, đại diện Vụ Văn hóa - Văn nghệ, (Ban Tuyên giáo T.Ư) cho biết hiện tượng sản xuất, phổ biến "phim ngắn" trên mạng tràn lan, thiếu kiểm soát, khai thác những chủ đề gây sốc, nhảm nhí, phản cảm để thu hút lượng tương tác, ẩn chứa mối họa gây ảnh hưởng xấu cho khán giả, nhất là giới trẻ.

Theo thống kê từ cuối năm 2023 cho đến đầu năm nay, Việt Nam có hơn 74 triệu tài khoản Facebook, khoảng 68 triệu tài khoản TikTok. Lượt xem vừa là thước đo, đồng thời cũng trở thành sức ép lớn đối với web drama. Một số ê-kíp nghiệp dư cố gắng câu kéo lượng người xem, bất chấp việc đưa ra những nội dung phản cảm và độc hại.

Nhiều phim ngắn trên mạng đi kèm với lời giới thiệu, nội gây sốc.

Để tăng lượng theo dõi, nhiều nhà sản xuất không ngần ngại cho ra những sản phẩm rác, tác động lớn đến tâm lý của người xem. Nội dung phim thường khai thác những góc tối của đời sống xã hội như: cướp vợ cướp chồng, mẹ chồng nàng dâu, tiểu tam, bạn bè khi giàu có coi thường nhau và thậm chí là những câu chuyện loạn luân…

Việc TikTok không chú trọng vào khâu tiền kiểm nội dung dẫn đến tràn lan các video chứa yếu tố phản cảm, dung tục, xuất hiện với tần suất dày đặc, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mỗi video, có tác động xấu đến người sử dụng.

Hàng triệu kết quả hiện ra chỉ với từ khóa phim ngắn trên nền tảng mạng xã hội TikTok.

Một số chuyên gia tâm lý cho rằng giới trẻ dễ bị lôi cuốn bởi những nội dung không lành mạnh. Nhưng những sản phẩm này lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, dễ khiến họ có suy nghĩ lệch lạc.

Thậm chí những phim với nội dung xấu cũng có thể đầu độc một người trưởng thành nếu nó được lặp đi lặp lại nhiều lần. Lâu dần họ sẽ cảm thấy quen thuộc với những điều xấu, những điều phản cảm và lâu dần sẽ coi đó là hiển nhiên.

Với một bộ phận người có nhận thức lành mạnh, họ chỉ xem vài lần vì tò mò rồi không xem nữa. Nhưng với bộ phận người dùng quan tâm đến các vấn đề tiêu cực, sẵn có những ẩn ức, khó khăn về tâm lý sẽ dễ bị lôi cuốn và bị ảnh hưởng bởi các nội dung này.

Nhiều bộ phim khác lại câu view bằng hình ảnh hở hang của diễn viên.

“Những nội dung xấu độc vô cùng nguy hiểm, có thể lái con người đến những hành vi lệch lạc. Nhà sản xuất sẵn sàng dùng những chiêu thức cố tình câu view, câu like với các nội dung độc hại.

Nhiều video đề cập tình dục, mại dâm... nếu người xem thật sự coi những điều trong phim đang diễn ra ngoài đời thực, họ sẽ không có niềm tin vào xã hội, cho rằng xã hội chỉ toàn điều xấu xa”, PGS. TS Trần Thành Nam nhận định.

Dọn rác” trên không gian mạng

Nhận định về nguyên nhân các phim ngắn với nội dung xấu độc này tràn lan trên mạng, báo cáo của Vụ Văn hóa - Văn nghệ, (Ban Tuyên giáo T.Ư) nêu rõ công tác quản lý nhà nước, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các hoạt động văn học, nghệ thuật ở một số tỉnh thành, địa phương, trong một số lĩnh vực (điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn...) có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả.

Việc ngăn chặn các thông tin, sản phẩm độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội trên không gian mạng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khán giả cần tự xây dựng "bức tường lửa" để bảo vệ mình trước những nội dung xấu độc.

Từ tháng 4/2023, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng nhằm quản lý các hoạt động sản xuất, phổ biến phim trên mạng. Tổ công tác gồm 10 thành viên, do Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm tổ trưởng. Tổ công tác chịu trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện.

Tổ công tác cũng quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản đối với đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, đồng thời đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nội dung độc hại, phản cảm.

Một số nhiệm vụ khác như kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim trên không gian mạng.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nội dung độc hại, phản cảm của các cơ quan chức năng, người xem cũng cần tự nâng cao ý thức để tạo “sức đề kháng” trước các nội dung xấu, độc. Khán giả cần có tiếng nói phản biện, lên án và tẩy chay các bộ phim nhảm nhí, nội dung không có giá trị.

Chuyên gia cho rằng nhà sản xuất cần mang đến những sản phẩm có chất lượng để giữ chân người xem lâu dài. Khi có bức “tường lửa” ngăn chặn các bộ phim phản cảm trên môi trường mạng, nghệ sĩ phải tự “kiểm duyệt”.

Các cơ quan quản lý cần cập nhật những xu hướng mới nhất, chủ động, sát sao phối hợp chặt chẽ với nhau để cộng tác, quản lý sản phẩm văn hóa trên không gian mạng hiệu quả, nếu không nó sẽ đem lại những hệ lụy khôn lường.

Mới đây, Bộ VHTTDL công bố danh sách các phim vi phạm pháp luật. Đây là các sản phẩm có nội dung, hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam của các chủ thể. Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm đối với các phim MH370: Chiếc máy bay mất tích (03 tập), Hướng gió mà đi (39 tập) và yêu cầu báo cáo thông tin phản ánh phim Tình yêu 199 - Muốn mãi mãi yêu