Manila được đánh giá là chậm so với các quốc gia Đông Nam Á khác trong phát triển năng lực răn đe tàu ngầm vì nước này tập trung cho bộ binh. Đầu tháng này, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr phê duyệt giai đoạn 3 của chương trình hiện đại hóa quân đội, bao gồm kế hoạch mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của nước này.
Ông Roy Trinidad, phát ngôn viên Hải quân Philippine, không cho biết Manila dự định mua bao nhiêu tàu ngầm, nhưng ông khẳng định “chắc chắn nhiều hơn 1 chiếc”.
Nhà nghiên cứu Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng Philippines sẽ cần mua ít nhất 3 tàu để duy trì hoạt động, với 1 tàu phục vụ huấn luyện, 1 tàu bảo trì và 1 tàu vận hành.
Tuy nhiên, ông cho rằng vì Philippines chưa bao giờ vận hành tàu ngầm nên quá trình mua và tích hợp chúng sẽ mất ít nhất 1 thập kỷ, vì cần xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm các căn cứ, cầu tàu, ụ tàu và những dịch vụ hỗ trợ khác.
Sau khi tiếp nhận tàu, các thủy thủ của Hải quân Philippines sẽ phải mất nhiều năm huấn luyện và tập trận để có thể sử dụng thành thạo.
Theo chuyên gia này, nếu Philippines đặt mua từ 2 - 3 tàu ngầm, ít nhất phải đến giữa những năm 2030 chúng mới có thể hoạt động hiệu quả.
Ông Joshua Bernard Espeña, phó chủ tịch tổ chức tư vấn Hợp tác An ninh và Phát triển quốc tế ở Manila, cho rằng Philippines sẽ phải tạo ra “giá trị gia tăng” và “hiệu ứng chiến lược” thông qua việc tích hợp hệ thống quản lý chiến đấu với các nền tảng trên không, trên biển và dưới mặt nước.
Ông Felix Chang, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Mỹ, đồng ý rằng 3 tàu ngầm là con số lý tưởng.
Theo chuyên gia này, tàu ngầm có “tác động to lớn” đối với chiến tranh trên biển, vì có thể đe dọa đáng kể các tàu chiến mặt nước của đối phương.
“Chỉ riêng sự tồn tại của một số lượng nhỏ tàu ngầm khó bị phát hiện cũng có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của số lượng lớn tàu chiến mặt nước”, ông Chang nói, đồng thời cho rằng tàu ngầm hiệu quả với việc ngăn chặn đối phương kiểm soát một không gian biển nhất định.