Phía sau màn đối đầu tệ hơn Chiến tranh Lạnh

TP - Khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) gặp nhau tối thứ Năm tuần trước để cùng dùng bữa tối trong trụ sở mới, cuộc nói chuyện của họ chuyển sang tập trung vào Nga. Thưởng thức món sò và thịt cừu, Thủ tướng Anh Theresa May chia sẻ thông tin tình báo chi tiết về khả năng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga trên đất Anh gần đây.
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp vừa qua tại trụ sở EU. Ảnh: Guardian.

Thông thường bà May vẫn là người phụ nữ lẻ loi trong những cuộc gặp gỡ của EU khi bà vẫn đang cố gắng đàm phán điều kiện để Anh rời khỏi khối. Nhưng lần này thì không. Sáng hôm sau, các lãnh đạo EU đồng ý phối hợp hành động nếu cần, báo New York Times dẫn lời 4 quan chức cấp cao của EU. Sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, mọi người nên về nước và cân nhắc việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. “Hãy làm điều đó vào 3h chiều thứ Hai”, một quan chức cấp cao EU đề nghị giấu tên dẫn lại lời Tổng thống Pháp.

EU không phải lúc nào cũng là hình mẫu của sự quyết đoán, nhưng việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga trên khắp châu lục vào đầu tuần này là một cử chỉ quyết liệt và mạnh mẽ. Nó diễn ra đồng loạt ở nhiều nước, sau đó nhận được thêm sự phối hợp của Mỹ. “Tôi không nghĩ ra có lần nào trước đây mà nhiều nước cùng phối hợp trục xuất như vậy”, New York Times dẫn lời ông Ian Bond, nhà cựu ngoại giao Anh tại Mátxcơva. Ông Bond nói rằng, đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, một số nước nhỏ trong EU trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Theo giới quan sát, Nga luôn là một vấn đề khó xử lý đối với EU vì nước này là nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho châu Âu cũng như tình trạng chia rẽ trong giới lãnh đạo EU về cách ứng xử với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng vụ đầu độc ngày 4/3 ở thành phố Salisbury, Anh, khiến cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia nguy kịch bị coi là vượt quá giới hạn. Giới chức Anh nói rằng, cha con ông Skripal bị phơi nhiễm chất độc thần kinh Novichok, và đây là lần đầu tiên vũ khí hóa học bị sử dụng trên đất châu Âu kể từ sau Thế chiến 2. Tính chất của vụ việc khiến giới chức châu Âu cho rằng không thể làm ngơ.

Tại Anh, Thủ tướng May đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga từ đầu tháng này, trong khi các thành viên Nội các Anh lên án ông Putin ngày càng mạnh. Thông tin mà bà May cung cấp cho các lãnh đạo EU vào bữa tối tuần trước có vẻ càng khiến các lãnh đạo EU cứng rắn. Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ hành động của bà May hơn cả. Pháp đã hỗ trợ kỹ thuật cho Anh trong phân tích chất độc và đưa ra kết luận tương tự. Và khi lãnh đạo Pháp - Đức đã nhất trí, những lãnh đạo khác trong EU khó có thể làm khác, các nhà phân tích nhận định.

Quyết định trục xuất được chốt vào sáng đầu tuần này, khi các đại sứ EU gặp nhau tại Brussels để đưa ra biện pháp mà mỗi nước sẽ thực hiện. Một tuyên bố được chuẩn bị cho Chủ tịch EU Donald Tusk trong cuộc họp tại Bulgaria. Kết quả đạt được là hàng loạt nước EU đồng ý trục xuất ít nhất một nhà ngoại giao Nga, trong khi những nước khác như Ireland đang cân nhắc tham gia. Theo giới quan sát, có một sự thỏa mãn ở Brussels về kết quả trên, khi ngay cả với Hungary, một nước có quan hệ nồng ấm với Nga, cũng đồng ý trục xuất một nhà ngoại giao Nga. Hy Lạp và CH Síp không sẵn lòng làm như vậy. Còn một số nước nhỏ như Malta không muốn mất hết đại diện ở Mátxcơva và đối mặt nguy cơ mất hoàn toàn quan hệ với Nga. Áo từ chối trục xuất bất kỳ người Nga nào. Bulgaria, nước đang đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên EU, từ chối tham gia với lý do cần duy trì trung lập, dù quan hệ gần gũi của họ với Nga là rõ ràng.

CH Séc gây chú ý khi lãnh đạo nước này chia rẽ về cách ứng xử với Mátxcơva, ngay cả khi một số phương tiện truyền thông Nga cho rằng chất độc thần kinh có thể đã đi qua nước này. Phản ứng của Italia khiến nhiều lãnh đạo EU lo lắng, trong bối cảnh đang có các cuộc đàm phán ở nước này về một chính phủ mới sau sự thể hiện mạnh mẽ của các đảng dân túy trong cuộc bầu cử gần đây. Ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên minh, là một đồng minh của ông Putin và đã chỉ trích quyết định trục xuất.

Sự mâu thuẫn của Mỹ

Tại Mỹ, trục xuất 60 quan chức Nga là quyết định trừng phạt ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay, ngay cả so với những ngày tăm tối nhất của cuộc đối đầu với Liên Xô. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tránh công khai lên án vai trò của Nga trong vụ tấn công sau khi có cuộc điện đàm với ông Putin để chúc mừng việc tái đắc cử.

Với sức ép từ London, ông Trump còn kêu gọi các đối tác nước ngoài cùng tham gia kế hoạch trục xuất. Các trợ lý của ông Trump nói rằng Mỹ hiểu họ sẽ bị cô lập nếu không làm như vậy. Ngoài Mỹ, ít nhất 22 nước khác ủng hộ ông Trump bằng cách trục xuất khoảng 57 nhà ngoại giao Nga. Tuy nhiên, chính quyền Trump bị cho là không nhất quán giữa hành động trừng phạt kiên quyết và sự thể hiện công khai của Tổng thống Mỹ về việc sẵn sàng hợp tác với ông Putin.

Dựa trên những điều diễn ra trước đây, Nga chắc chắn sẽ đáp trả bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao phương Tây, tương tự cách hành xử ăn miếng trả miếng thời Chiến tranh Lạnh, giới quan sát nhận định.

Nga tuyên bố sẽ đáp trả

Trong một tuyên bố vừa gửi đến báo chí, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ phản đối kiên quyết việc một số nước EU và NATO quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga, cho rằng đây là hành động không hữu nghị và không phục vụ việc xác định nguyên nhân và tìm ra những kẻ có tội trong vụ việc ở Salisbury.

Nga cho rằng, hành động của chính quyền Anh mang “quan điểm có tính định kiến, đầy thiên vị và giả tạo”, còn các nước tham gia khác chịu sự chi phối của chính quyền Anh, không tìm hiểu vụ việc và là sự tiếp diễn của đường lối có tính chất đối đầu.

Những sự kiện nêu trên một lần nữa làm dấy lên câu hỏi rằng thế giới có quay về thời kỳ Chiến tranh Lạnh hay không. Câu trả lời có thể là: Không, nhưng tình hình có thể diễn biến theo một số cách còn khó đoán hơn nhiều, giới phân tích đánh giá.