Khi Usain Bolt cùng đồng đội chiến thắng ở nội dung 4x100 mét tiếp sức, anh đã hoàn thành hat-trick HC vàng tại Olympic năm nay. Ba kỳ Olympic gần nhất, kỳ nào Bolt cũng thâu tóm trọn bộ HC vàng ở ba nội dung cự ly ngắn mà anh tham gia. Với chín HC vàng, đây là VĐV vĩ đại thứ nhì trong lịch sử Olympic. Người đứng thứ nhất chính là Michael Phelps, với tổng cộng 23 HC vàng.
Chúng ta có cái may mắn là được xem hai VĐV vĩ đại bậc nhất trong lịch sử thể thao thi đấu, đã vậy lại họ cùng thời với nhau. Một người là con báo trên đường chạy, một người là cá kình trên đường đua xanh. Và họ vĩ đại ở chỗ luôn tự đặt ra những thử thách cao hơn cho bản thân.
Phelps đến Rio de Janeiro khi đã 31 tuổi. Hôm 21/8 vừa qua là sinh nhật thứ 30 của Bolt. Đó đều là những độ tuổi bị xem là "hết thời" trong thể thao đỉnh cao, nhất là những môn đòi hỏi tốc độ và sức mạnh. Cả hai cũng đã no nê những danh hiệu. Trước Rio 2016, Phelps đã là nhân vật số một lịch sử bơi lội, Bolt đã là người đàn ông nhanh nhất nhân loại. Vậy mà họ vẫn đến Olympic 2016, và kết thúc nó với nhiều HC vàng hơn bất kỳ ai.
Ngay trong thời gian dự Olympic 2016, Phelps đăng một bức ảnh trên Twitter, trong đó VĐV về nhì đang nhìn về phía anh đoạn gần tới đích, kèm theo dòng bình luận: "Nhà vô địch nhìn về đích đến, kẻ thất bại nhìn nhà vô địch". Còn Bolt, nụ cười của anh khi gần đến đích ở các nội dung 200 mét và 4x100 mét là một bức thông điệp rõ ràng. Cả hai đều có sự ngạo nghễ của một kẻ đứng ở đỉnh cao, mỉm cười nhìn các đối thủ đang ở dưới cái bóng quá lớn do chính họ tạo ra.
Bolt và Phelps đều là những nhà vô địch bẩm sinh, nhưng họ cũng đồng thời là những tay chơi có hạng, cặp bồ bạt mạng và sống phóng túng. Ở giữa những kỳ Olympic, họ đều có những thất bại. Phelps thậm chí còn giải nghệ sau London 2012, rồi một thời gian dài râu ria xồm xàm, rượu chè gái gú. Nhưng khi thế giới chuẩn bị gạt tên Phelps và Bolt, họ đồng loạt trở lại. Olympic 2016 như là một sự nhắc nhở, rằng họ thật ra là thiên sứ trên đỉnh Olympus, vốn dành cho những vị thần trong thần thoại Hy Lạp.
Phelps và Bolt đều là những người mang dị tướng. Nhưng nếu như thể trạng của Phelps sinh ra là dành cho bơi lội, thì cơ địa của Bolt từng bị xem là không phù hợp với điền kinh cự ly ngắn. Anh quá cao, chân lại dài, nên xuất phát luôn chậm hơn đối thủ. Nhưng chính lối suy nghĩ vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm đã giúp cho Bolt vĩ đại. Tức là anh... chấp đối thủ xuất phát trước, để rồi chính sải chân dài sẽ giúp anh thu hẹp khoảng cách ở những đoạn về cuối. Suy nghĩ này từng bị xem là điên rồ. Nhưng Bolt bỏ ngoài tai tất cả. Cả đời anh chỉ tập trung chạy cự ly ngắn. HLV của Bolt, Glen Mills, từng nói đùa: "Cả đời Bolt chưa bao giờ chạy quá một dặm".
Thế nên để so sánh sự vĩ đại của cả hai quả thực là điều không thể.Những người ủng hộ Phelps sẽ đưa ra luận điểm: đạt đến đỉnh cao ở một nội dung hoặc một cự ly đã khó, nhưng thống trị ở nhiều nội dung khác nhau lại càng khó khăn hơn gấp bội. Những người ủng hộ Bolt thì có lý do khác. Thứ nhất, điền kinh có ít nội dung hơn bơi lội. Thứ hai, số người biết bơi trên thế giới ít hơn hẳn so với số người không biết bơi, trong khi bất kỳ ai trên đời đều có thể... chạy. Việc trở thành người chạy nhanh nhất vì thế khó hơn gấp bội so với người bơi nhanh nhất. Đấy là chưa kể Bolt đã vào đường chạy chung kết là giành HC vàng, trừ khi anh tự mắc lỗi như ở chung kết 100m tại giải vô địch thế giới 2011. Còn Phelps cũng có những lúc lực bất tòng tâm, thất bại trước Schooling mới đây là một ví dụ...
Những cuộc tranh luận ấy tất nhiên mãi mãi không có hồi kết. Nếu Lionel Messi và Cristiano Ronaldo cùng chơi một môn thể thao, đá cùng thời, thậm chí còn so tài trực tiếp trên sân mà cả thập kỷ qua, mà người hâm mộ vẫn chưa xác định nổi ai là người giỏi nhất, thì làm sao có thể so được Phelps và Bolt. So sánh thế có khác nào so cá kình dưới biển và báo trên thảo nguyên.
Và sự vĩ đại ấy sẽ phủ một chiếc bóng lên toàn bộ Olympic. Vì sau khi Phelps và Bolt giã từ đường đua, sức hút của Olympic sẽ khó còn được như những ngày hai anh còn ở đó. Rio 2016 vừa chứng kiến lời từ biệt của hai vị thần.