Tập đoàn Hòa Bình:

Phát triển đường cao tốc bằng công nghệ mới!

TP - Tập đoàn Hòa Bình vừa khánh thành đoạn cao tốc thử nghiệm bằng công nghệ mới hiện đại tại Khu phi thuế quan Xuân Cầu (Lạch Huyện, TP Hải Phòng). Kết quả thử tải và kiểm tra kỹ thuật cho thấy tuyến đường đạt tất cả các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật...
Ông Nguyễn Hữu Đường (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước tại công trình

Khát vọng đổi mới

Dẫn chúng tôi đi thăm công trường, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình vui mừng thông báo tuyến đường hiện đại thử nghiệm theo công nghệ mới tại Khu phi thuế quan Xuân Cầu đã thành công! Ông Đường nói ví von rằng tuyến đường này sẽ “thay đổi cả thế giới” để nhấn mạnh về lợi ích mà công nghệ mới mang lại. Trước mắt chúng tôi là cả vùng đất lấn biển rộng mênh mông đang rầm rập tiếng máy. Cả đoàn xe tải hạng nặng và những khối bê tông rất lớn được đưa đến thử tải tuyến đường trước sự chứng kiến của đại diện nhiều cơ quan liên quan.

Ông Nguyễn Hữu Đường cho biết: Từ tháng 9 năm trước Tập đoàn tiến hành các thử nghiệm hệ thống đường cao tốc của Việt Nam. Trước tháng 2/2024, Tập đoàn cũng đã thí nghiệm xong 3 tuyến đường: tuyến đường cao tốc trên đất, đường cao tốc chịu lực bằng cọc ly tâm; đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm và hệ thống cầu được bắc qua các suối, mương cho đồng bào Bắc bộ và đồng bào các tỉnh miền núi đã hoàn thành.

Khát vọng đưa doanh nghiệp Việt vươn xa

Trong suốt sự nghiệp của mình, nhiều lần ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ về ước mơ làm sao cho đất nước ngày càng giàu mạnh, các doanh nghiệp Việt có thể vươn xa tầm quốc tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Ông Đường đã chủ trì nhiều Đề án nghiên cứu thành lập hệ thống các Trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng để hỗ trợ doanh nghiệp Việt phân phối sản phẩm, thúc đẩy sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Đường đã dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư các công trình đền ơn đáp nghĩa tại Quảng Trị và nhiều tỉnh thành khác.

Tập đoàn Hòa Bình là chủ đầu tư nhiều dự án, công trình quy mô lớn và nổi tiếng như Khách sạn dát vàng Hà Nội Golden Lake cạnh hồ Giảng Võ (Hà Nội), Tổ hợp căn hộ-Trung tâm thương mại 505 Minh Khai, Hội An Golden Sea, khách sạn dát vàng Golden Bay Đà Nẵng và nhiều công trình, nhà máy khác...

Về tiến độ tuyến đường công nghệ mới tại Khu phi thuế quan Xuân Cầu, Tập đoàn Hòa Bình triển khai với tiến độ thực sự “thần tốc”! Từ 24/2/2024 đến ngày 24/3/2024 đã thiết kế và thi công xong đường tầng 1. Từ 24/3 - 24/4 đã thi công xong đường tầng 2. “Trong vòng 2 tháng đã làm được như vậy thì có thể nói là tốc độ thi công nhanh nhất thế giới hiện nay. Chúng tôi đã là người thiết kế ra công trình này. Hôm nay chúng tôi đã làm lễ thử tải xem như là khâu cuối cùng để xem con đường này có thể chịu được những tiêu chuẩn của thế giới cũng như là của Việt Nam hay không”.

Với ông Đường và Tập đoàn Hòa Bình, khánh thành tuyến đường này là một ngày trọng đại khi đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đưa công nghệ mới vào ứng dụng. Tiêu chuẩn thử tải, độ lún của đường theo tiêu chuẩn của quốc tế và của Việt Nam là 9,6 mm nhưng đường này của Tập đoàn xây dựng chỉ có độ lún là 0,6 mm tức là chỉ bằng 1/16 của tiêu chuẩn thế giới cũng như tiêu chuẩn Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Hòa Bình đã khảo sát ở Bắc Ninh. Đường ở Bắc Ninh, bên dưới không có bùn thì cọc ép chỉ cần 20m là đã có thể chịu được tải trọng 300 tấn. Bên cạnh đó Tập đoàn cũng khảo sát đường ở Ninh Bình tải trọng cọc ép chỉ sâu 10m là đã chịu được tải 300 tấn. Đường ở Đồng bằng sông Cửu Long ép cọc 25m thì tải trọng sẽ được 300 tấn... Thế nhưng đường ở khu vực cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) thì phải ép cọc 35m vì ở đây có đến 20 m bùn. Chính vì vậy Tập đoàn đã quyết định làm đường ở khu công nghiệp. Đây là đoạn đường khó nhất vì ở dưới có 20m bùn nhưng đây cũng là đoạn đường mà sau này các xe siêu trường, siêu trọng sẽ chạy ở đây. “Con đường đã được thiết kế và thi công tại vị trí và điều kiện thuộc loại khó nhất. Và khi đường này đã thành công rồi thì chúng ta có thể áp dụng được trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ.

Nhân rộng mô hình làm đường cao tốc mới

Ông Đường cho hay hiện nay nhiều công trình không có cát để làm nền đường. Đồng bằng sông Cửu Long không có cát và kể cả ở đồng bằng Bắc bộ cũng không có cát để san lấp. Vì vậy đã có ý kiến đề nghị xem xét nghiên cứu lấy cát biển để làm nền đường. Tuy nhiên, cát biển ngấm mặn ra diện tích canh tác hai bên đường sẽ bị ảnh hưởng, không canh tác được.

TP Hà Nội cũng mới đấu thầu một mỏ cát nhưng tính ra một khối cát ở đó có giá lên đến 800.000 - 1.000.000 đồng. Như thế lấp nền bằng cát chi phí sẽ rất đắt. Hơn nữa làm đường phải đắp những con đê cao đến 5m thì nếu đổ cát đổ đất sẽ rất tốn diện tích canh tác hai bên vì thế cho nên Tập đoàn đã làm thí nghiệm.

Công trình đạt tất cả các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật

PGS.TS Nguyễn Lan, Viện trưởng Viện KHCN Bách khoa Đà Nẵng cho biết: Đơn vị đã thẩm tra thiết kế và chủ trì thẩm định thử tải sau khi công trình đã sử dụng xong. Với những số liệu quy định, đơn vị đã lắp gần 100 cảm biến, điểm đo trên công trình này. Với những số liệu cơ bản thu được sơ bộ thì có thể đánh giá được công trình đạt chất lượng theo như thiết kế ban đầu. Sau quá trình thử tải đã đạt tiêu chuẩn của Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lan, giải pháp của công trình này có tính ưu việt khi thay thế cho những tuyến đường đắp cao qua điểm đất yếu. Những tuyến đường đi qua ruộng với những điểm đất yếu thì chiều cao đất đến 2-5m có nhiều vấn đề nếu ta làm theo giải pháp truyền thống là đắp đường rồi chờ lún,... xử lý kỹ thuật, xử lý nền đất yếu và thời gian lún lâu sẽ dẫn đến thời gian thi công lâu hơn nên có những vấn đề phát sinh như ngăn dòng chảy, mùa lũ con đường lại giống như một con đê. Giải pháp này có thể khắc phục những hạn chế của phương pháp làm cũ, điển hình là tình trạng thiếu vật liệu đắp đường.

Thí nghiệm đường này của chúng tôi sẽ giải quyết được về kinh phí. Hai nữa làm đường này sẽ vĩnh cửu với thời gian, trên 100 năm. Đường bằng đất của chúng ta đang đắp thì cứ 2-3 năm sẽ phải bù lún. Tốc độ lưu hành xe của Việt Nam chỉ tối đa là 120km/h, đó là đường Hà Nội - Hải Phòng, nhưng tốc độ lưu hành trên tuyến đường này sẽ là tối thiểu 120km/h bởi vì đường này không lún. Hai nữa thời gian bảo hành của loại đường này lên đến 15-20 năm, nhà nước không phải bỏ kinh phí ra để duy tu, bảo trì.

So sánh về chi phí các loại đường với nhau: đường cầu cạn, đường truyền thống và đường vừa thí nghiệm xong, ông Đường cho hay: Đây sẽ là con đường rẻ hơn 30% so với đường cầu cạn. Mỗi một năm ngân sách bỏ ra làm đường cầu cạn khoảng 1 triệu tỷ thì sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 tỷ.

Công trình đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật

Phương án nhiều lợi ích về kinh tế

TS Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN khẳng định:

Theo phương án tấm sàn rỗng bê tông đúc sẵn trên cọc ly tâm, phương án này có lợi thế thi công nhanh, không sử dụng cát đắp, có ổn định cao và rất bền vững. Theo nhà nghiên cứu phát triển là Tập đoàn Hòa Bình cho biết giá rất cạnh tranh và về mặt quản lý chất lượng về mặt khối lượng cũng rất nghiêm ngặt, minh bạch. Thi công cũng rất nhanh bởi tấm sàn bằng bê tông đã đúc sẵn rồi, còn chất lượng được kiểm định tại nhà máy.

Hiện nay chúng ta chỉ tính chi phí suất đầu tư trực tiếp mà không tính đến bảo trì, tuổi thọ, vòng đời công trình. Chính vì vậy, nhiều giải pháp cầu cạn bị nhiều tiền hơn so với cát đắp. So với phương án cát lấp cao và xử lý đất nền yếu sâu thì phương án này rất hiệu quả. Về mặt kỹ thuật chúng ta nhìn thấy hiệu quả thi công và hồ sơ thiết kế, hồ sơ kiểm tra đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Đồng bằng sông Cửu Long đều là đất yếu cả bởi vì đều là sự bồi tiếp của phù sa. Đất yếu có thể lên đến 60-70m, thông thường là 40-50m. Nếu chúng ta sử dụng cát đắp với chiều sâu với mức thấm khoảng 20-22m thì khối lượng cát đắp sử dụng rất lớn. Từ nhiều phân tích cho thấy phương án của Tập đoàn Hòa Bình là rất ưu việt, khả thi.