Phát huy trí tuệ tài năng trẻ cống hiến cho đất nước

TP - Trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3, sáng 12/12, 400 đại biểu tài năng trẻ tham gia 5 diễn đàn đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận, và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm khơi dậy hoài bão, khát khao và phát huy trí tuệ tài năng trẻ cống hiến cho đất nước.
Đại biểu Đoàn Văn Trường phát biểu tại diễn đàn

Lãnh đạo tốt, nhân tài mới yên tâm làm việc

Trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, sáng 12/12, tại Diễn đàn “Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam”, các đại biểu đã thẳng thắn nêu kiến nghị, đóng góp tâm huyết.

Theo đại biểu Phan Duy Anh (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM) một người được coi là nhân tài không phải chỉ do có phẩm chất, năng lực gì, mà quan trọng hơn, những điều ấy có được thể hiện trong những việc ích quốc lợi dân hay không. Nếu có năng lực mà không làm được những việc có lợi cho dân, cho nước, thì không đủ để được coi là nhân tài. Bên cạnh đó, muốn dùng nhân tài đúng trước hết phải phụ thuộc vào người cán bộ lãnh đạo quản lý.

“Nếu người lãnh đạo tốt thì nhân tài mới tin tưởng vào cấp trên, yên tâm làm việc, phát huy hết tài năng của mình hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Nếu nhân tài hoang mang, không yên tâm công tác thì chắc chắn họ không hết lòng, hết sức với công việc, không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, đại biểu Duy Anh nói.

Tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang (Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ) đã đề xuất 2 nhóm trong giai đoạn 2020-2025 của ngành Nội vụ và của Việt Nam. Theo đó, cần đảm bảo cơ chế đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ theo đặc thù riêng. Tránh tình trạng đào tạo lệch chuẩn (có năng khiếu mà thiếu văn hóa và ngoại ngữ), chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng tại các vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, cũng cần có cơ chế đãi ngộ đối với những tài năng “không còn trẻ” như các vận động viên đã từng có những cống hiến lớn cho đất nước, nay đã giải nghệ do tuổi tác hoặc chấn thương…

“Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có triển vọng tài năng, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng chính sách nhân tài để trục lợi, vi phạm pháp luật”, đại biểu Trang nêu kiến nghị.

Giao việc cho tài năng trẻ để tạo bước đột phá

Tại diễn đàn số 2, các đại biểu tài năng trẻ Việt Nam đề xuất cần có nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính, tạo môi trường làm việc thuận lợi, mạnh dạn giao việc, đặt nhiệm vụ cho người trẻ để tạo bước đột phá cho sự phát triển. 

TS. Lê Văn Lịch (Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để chăm lo, phát triển tài năng trẻ cần có những chính sách thu hút hấp dẫn. Tiến sĩ Lịch cho rằng, hiện nay, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để tự “săn” học bổng du học.

Theo TS. Lịch, giảm bớt áp lực tài chính trong giai đoạn đầu cho các nghiên cứu sinh về nước làm việc là một vấn đề rất quan trọng. “Ngoài hỗ trợ, đầu tư một khoản tài chính hấp dẫn ban đầu, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị cần tin tưởng giao các đề tài, công trình nghiên cứu cho họ phát huy trí tuệ, trách nhiệm; từ đó, mới tạo ra được bước đột phá trong sự phát triển”, TS Lịch nói.

Theo anh Hồ Thanh Tâm (Đà Nẵng), tài năng trẻ ở trong nước hay nước ngoài có sự cống hiến hướng về quê hương, Tổ quốc đều đáng quý. Tuy nhiên, nếu thu hút được họ trở về nước làm việc, qua đó kết nối thêm các nhà khoa học trên thế giới sẽ tốt hơn nhiều. Anh Tâm cho rằng, để thu hút tài năng trẻ cần tạo điều kiện môi trường làm việc tốt, từ cơ sở vật chất, đề tài, đặc biệt tài chính để nhà khoa học có mức lương đảm bảo cho họ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, theo anh Tâm, tôn vinh các nhà khoa học, cũng là một trong những giải pháp tăng thêm động lực phấn đấu cho các tài năng trẻ.

Bác sĩ Lá Văn Khôi đến từ Nghệ An cho rằng, bên cạnh thu hút các tài năng trẻ từ nước ngoài về Việt Nam, cần đẩy mạnh thu hút các trí thức trẻ, tài năng trẻ từ các thành phố lớn về quê, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn làm việc.

Xây dựng văn hóa sử dụng người tài

Trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III năm 2020, Diễn đàn “Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam” số 3 tổ chức tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều ý kiến, góc nhìn đa chiều về: Thu hút và sử dụng nhân tài; chảy máu chất xám; vai trò tổ chức, các cấp quản lý và cá nhân...

Đại biểu Đoàn Văn Trường (Thanh Hóa) bày tỏ, hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn đang xảy ra, nhưng là điều phải chấp nhận và dễ thông cảm. Bởi, những người có tài năng mà không có môi trường, điều kiện để phát huy, sáng tạo thì buộc họ phải chọn nơi thuận lợi, phù hợp hơn. Do đó, cần tạo môi trường học tập, nghiên cứu tốt giúp phát triển năng khiếu, tư duy sáng tạo cho những người trẻ giỏi.

Đại biểu Tạ Văn Thịnh (Viện Nghiên cứu khoa học & Thiết kế, Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro) cho rằng để phát huy tốt tiềm năng của các cá nhân, tổ chức Đoàn cần tập trung trước tiên vào vấn đề nhu cầu tôn trọng và được thể hiện; đặt ra các thử thách cho đoàn viên thanh niên để thấy được nghị lực phấn đấu của mỗi người. "Thử thách là yếu tố giúp phát hiện tài năng nhưng việc ghi nhận sự cống hiến của các cá nhân chính là chìa khóa duy trì và nâng tầm cho tài năng phát triển hơn nữa. Thử thách thì có rất nhiều và dễ thực hiện, cái khó hiện nay là làm sao duy trì được sự phấn đấu và nâng tầm cho tài năng đó phát triển hơn nữa», anh Thịnh bày tỏ.

Muốn xây dựng được văn hóa sử dụng tài năng trong tổ chức, doanh nghiệp thì cần hiểu đặc thù của mỗi thế hệ. Anh phân chia, thế hệ X - những người sinh khoảng những năm 1970, có học thức và hướng công việc ổn định, hướng tới làm việc tích lũy để tương lai chắc chắn; thế hệ Y - những người sinh trong khoảng từ năm 1980 - 1996, lực lượng lao động chính hiện nay, thích sự linh hoạt, cơ hội nhưng thiếu kiên nhẫn, dễ dao động; thế hệ Z lớn lên trong thời kỳ công nghệ và áp lực cạnh tranh cao.

Theo anh Thắng, lãnh đạo và các cấp quản lý muốn sử dụng tài năng trẻ cần giao việc khó, việc mới; đồng thời yểm trợ bằng kinh nghiệm và sự từng trải của người đi trước; tạo ra môi trường hòa nhập.

Tài năng trẻ cần được phát hiện sớm

Sáng 12/12, trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần III, Trung ương Đoàn tổ chức diễn đàn “Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam” để các đại biểu dự Đại hội chia sẻ quan điểm, góc nhìn và đề xuất những giải pháp để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tài năng trẻ Việt Nam.

Bạn Nguyệt Minh (TPHCM) cho rằng các tài năng trẻ ở độ tuổi từ 9-14 tuổi mặc dù chưa đạt đến độ chín trong nghệ thuật nhưng lại là một ưu thế khi phát hiện và đào tạo từ sớm. Tuy nhiên, hiện nay các cuộc thi dành cho lứa tuổi 9-14 không nhiều.

Trong khi đó, bạn Anh Thư (An Giang) nêu ý kiến, ngoài các tài năng trẻ chủ yếu được phát hiện và bồi dưỡng ở các thành phố, các cấp chính quyền các cơ sở đoàn cũng phải quan tâm tìm kiếm và bồi dưỡng các tài năng trẻ ở vùng sâu vùng xa.

Bạn Nguyễn Hoàn (Lạng Sơn) cho biết tại các địa phương còn nhiều tài năng, có ý tưởng nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Các tổ chức đoàn cần quan tâm nhiều hơn đến các tâm tư, mong muốn, ý tưởng của các đoàn viên, tạo điều kiện, tạo động lực cho các đoàn viên theo đuổi sáng kiến, theo đuổi ước mơ.

Hiện nay, ở nước ta một số môn thể thao được đẩy mạnh, tập trung đào tạo và đưa ra thi nước ngoài. Nhưng môn bơi lội ở độ tuổi dưới 10 tuổi chỉ được tham gia một số giải nhỏ, các giải trong nước hầu như không có. Từ đó, bạn Nhu Giang (TPHCM) mong muốn được tham gia thêm nhiều giải đấu trong và ngoài nước để có thể cọ xát, học hỏi và phát huy thêm các thế mạnh của bản thân.

Bạn Nguyễn Duy (Bắc Ninh) lại bày tỏ mong muốn có thêm nhiều cuộc giao lưu, cuộc thi dân ca, vừa để phát hiện sớm các tài năng trẻ, vừa để gìn giữ và truyền bá được loại hình âm nhạc truyền thống dân ca. Bạn Nguyễn Duy (Bắc Ninh) cho rằng nên giảm bớt các thủ tục để các văn nghệ sĩ tuyển chọn vào các đoàn văn hóa nghệ thuật dễ dàng hơn.

Không được ngủ quên trên chiến thắng

Tại diễn đàn số 5 của Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3, năm 2020 với chủ đề “Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ” các đại biểu đã xuất nhiều giải pháp để thu hút, phát huy tài năng trẻ. Đồng thời bày tỏ nguyện vọng Đảng, Nhà nước và T.Ư Đoàn sẽ có những chính sách hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ Việt Nam.

Về công tác bồi dưỡng và chăm lo, phát huy tài năng trẻ trong lĩnh vực thể thao, vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên cho rằng tiềm năng trẻ ở nước ta rất lớn nhưng chưa phát huy hết. Để thu hút được nhân tài, Nhà nước cần tạo điều kiện cho vận động viên trẻ được ra nước ngoài học tập, tập huấn; nâng cao chế độ đãi ngộ về tiền lương, tiền thưởng để vận động viên yên tâm cống hiến hết tài năng của mình.

“Vận động viên nước ta cũng cần đổi mới về tư duy, cố gắng nỗ lực hết mình. Khi đạt thành tích cao thì không được phép “ngủ quên trên chiến thắng”, luôn coi bản thân mới chỉ ở vạch xuất phát để tiếp tục tập luyện, tiến tới những vinh quang lớn hơn. Trong các đợt tập huấn ở nước ngoài tôi học hỏi được rất nhiều điều, trong đó lớn nhất là tinh thần tự học. Chính điều đó đã tác động rất lớn đến tôi, thúc giục tôi không ngừng nỗ lực, tự rèn luyện để vượt qua những thử thách”, nữ vận động viên chia sẻ.

Về lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Dương Toàn (Trường Đại học Hải Phòng) cho rằng hiện nay ngành giáo dục đang còn nhiều bất cập, đặc biệt trong công tác tuyển sinh đào tạo nhân lực sư phạm. Đại biểu Toàn đề xuất Bộ Giáo dục nên xây dựng khung điểm sàn cao cho riêng khối ngành sư phạm và sâu hơn cần xây dựng hệ thống điểm sàn riêng cho từng chuyên ngành. “Trong vấn đề nâng cao chất lượng giảng viên tôi đề xuất ý kiến miễn giảm học phí đối với giảng viên, giáo viên học tập nâng cao trình độ. Hoặc có những chính sách hỗ trợ hợp lý khác”, anh Toàn nói.

Anh Toàn cũng đề xuất T.Ư Đoàn phối hợp cùng các Tỉnh đoàn, Thành đoàn có chủ trương xây dựng quỹ phát triển khoa học. Trên cơ sở đó, hằng năm trích kinh phí đầu tư cho các nhà khoa học trẻ và động viên, khen thưởng cho các tác giả có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Trang chia sẻ tại Diễn đàn