Phát hiện nhiều cổ thụ ngàn tuổi

TP - Nếu không có chương trình vinh danh cây di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường (VACNE) khởi xướng cách đây một năm, có lẽ không mấy ai biết, tại nhiều vùng nông thôn vẫn còn không ít cây cổ thụ có tuổi hàng trăm đến 1.000 năm.
Cây đa 13 rễ được đánh giá vào khoảng 600 – 700 năm tuổi ở xóm Trại 1, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng
Cây đa 13 rễ được đánh giá vào khoảng 600 – 700 năm tuổi ở xóm Trại 1, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Sau lễ vinh danh cây di sản đầu tiên cho 9 cây muỗm 900 tuổi ở Hà Nội dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hồi tháng 10-2010, đến nay, có gần 20 tỉnh, thành gửi hồ sơ đề nghị VACNE công nhận rừng cây đại thụ ở địa phương họ. Nhiều cây được cho có nghìn năm tuổi, gắn với lịch sử, văn hóa của làng xã.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội, tham gia chương trình cây di sản của VACNE, đánh giá: Bắc Bộ và Trung Bộ là nơi tập trung nhiều cây cổ thụ nhất ở Việt Nam, với nhiều cây hàng nghìn năm tuổi. Trong khi đó, ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, theo đánh giá sơ bộ, chưa có cây nào nghìn tuổi, nhưng có khoảng năm cây trên dưới 300 năm tuổi.

Cây gạo 1.000 năm tuổi do chính Quỳnh Trân Công chúa trồng
ở Đền Mõ, Hải Phòng.

Cây ngàn tuổi

Ngày 22-4 tới, VACNE sẽ tổ chức lễ công nhận cây di sản Việt Nam cho rặng duối 18 cây ở khu vực Đền - Lăng Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). “Rặng duối này cũng cỡ nghìn năm, là nơi Phùng Hưng, Ngô Quyền từng buộc voi, buộc ngựa”, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, nói, “Rặng duối chỉ cách mộ thờ vua Ngô Quyền chừng 100 mét”.

Ngày 29-4, VACNE tiếp tục tổ chức lễ công nhận cây samu dầu ở vườn quốc gia Pumát (Nghệ An). “Cây samu dầu này có thể vào loại lâu năm nhất Việt Nam hiện nay, khoảng 1.000 tuổi với chiều cao trên 70 mét, đường kính 5,5 mét” - GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản, nói.

Tiếp sau sẽ đến lượt 2 cây nghiến ở Cao Bằng, một ở khu di tích Pắc Pó, được xác định chừng 500 - 700 tuổi và một ở huyện Hạ Lang chừng 700 - 1.000 tuổi. Trong nhóm cây di sản sẽ được công nhận tới đây, 5 cây thị ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cũng nằm trong danh sách ưu tiên.

Rồi cây đa 13 rễ ở xóm Trại 1, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Dịp VACNE về khảo sát cây đa 13 rễ giữa tháng 3-2011, ông Phạm Đức Thiết, Trưởng ban Quản lý cảnh quan cây đa, cho biết dân địa phương đánh giá cây này 600 - 700 năm tuổi.

Tiếp đó là rặng tùng và mai vàng trên 700 năm tuổi ở núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Theo TS Sinh, Thanh Hóa có thể có cây samu dầu còn lâu năm và cao to hơn cả cây ở Nghệ An. “Tôi mường tượng sẽ có những cây rất lý thú về tuổi thọ, lịch sử, văn hóa, nguồn gene”, TS Sinh nhận định.

Cây lim 700 năm tuổi ở Hải Dương.

Mỗi cây mỗi số phận

Ấn tượng và quy mô nhất đối với ban tổ chức có lẽ phải kể đến cây thị ở thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì (Hà Nội). Cây này được vinh danh ngày 19-3-2011, có chu vi 12,5m; chiều cao cả tán 32m; chu vi cả bạnh vè sát đất tới 15m.

“Việc tổ chức công nhận cây di sản không đơn giản”, TS Sinh chia sẻ khó khăn, “Có cây to, sừng sững không xác định được qua ảnh nhưng khi đến, theo tên địa phương, dân nói loại cây mà chúng tôi không thể xác định được tên khoa học”.

Ông Nguyễn Minh Thiện, 69 tuổi, thôn Nhuận Trạch, nói: “Không biết cây thị được trồng hay tự mọc mà chỉ biết có từ khi ngôi đền cổ được xây từ thời Lý, thờ Linh Lang Đại Vương”.

Trước đó, cây gạo 727 năm tuổi (1284 - 2011) do Quỳnh Trân Công Chúa (con gái vua Trần Thánh Tông) trồng ở đền Mõ, thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, được công nhận là cây di sản Việt Nam đúng ngày lễ hội đền Mõ, 16-3-2011, tưởng nhớ đến công chúa. Thân chính cây gạo cao 30 m, đường kính hơn 2 m. Thân phụ có đường kính 0,49 m mọc ra từ gốc thân chính.

Trong số những cây đã được công nhận cây di sản, đồi lim 54 cây tuổi từ một vài trăm năm đến 700 năm trên núi Thiên Bồng (thôn Đại, xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương), gắn với di tích lịch sử Đền Cao. Đền được xây dựng cách đây hơn 1000 năm để thờ 5 vị tướng đồng thời là 5 chị em ruột họ Vương (Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, và Vương Thị Liễu) đã có công giúp Vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống năm 981.

Cụ Hà Văn May (90 tuổi), cụ từ ở đền Voi Phục (Hà Nội), kể 9 cây muỗm ở trong và ngoài khuôn viên có từ lúc xây dựng đền Voi Phục. Đền thờ hoàng tử Linh Lang (con vua Lý Thái Tông). Trong đền còn lưu giữ một số đồ thờ có niên đại 600-800 năm.

Nói về những cây được công nhận cây di sản, PGS.TS Nguyễn Đình Hoè thổ lộ: “Mỗi cây đều gắn với lịch sử, văn hóa cũng như tâm linh của cộng đồng”. TS Nguyễn Ngọc Sinh nói: “Những cây 500 - 700 tuổi là nguồn gene quý hiếm lắm”.

- Các tỉnh, thành đã đăng ký công nhận cây di sản gồm Hà Nội mở rộng, Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… Đến nay, VACNE đã công nhận cây di sản ở bốn tỉnh thành gồm Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Hải Dương, và Hải Phòng.

Tới đây VACNE tiếp tục công nhận cây di sản ở Hà Nội, tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng, và Quảng Ninh.

-VACNE đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ với vài chục loại cây như đa, thị, lim, nghiến, gạo, thông, duối, muỗm, samu dầu… Trong số hơn 100 hồ sơ, VACNE đã công nhận 90 hồ sơ và đã trao bằng công nhận cây di sản cho gần 70 cây ở Hà Nội, Huế, Hải Dương, Hải Phòng.

Theo Báo giấy