Phát hiện cá mập mang thai miệng rộng dạt vào bãi biển

TPO - Một con cá mập miệng rộng mang thai bảy con đã trôi dạt vào bờ biển Philippines. Các nhà nghiên cứu đã khám nghiệm xác chết của những con con để tìm hiểu bí mật về cách loài cá khó nắm bắt này sinh con.

Sáu chú cá mập miệng to ( Megachasma pelagios ) đang được các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Quốc gia Philippines kiểm tra. (Ảnh: Phòng Động vật học NMP)

Kỷ lục đầu tiên về một con cá mập miệng rộng đang mang thai đã được ghi nhận sau khi một con cái chết dạt vào bờ biển Philippines.

Con cá mập miệng rộng dài 5,5 m (Megachasma pelagios), được tìm thấy vào ngày 14/11 vừa qua tại Barangay Ipil, Dipaculao, tỉnh Aurora, đang mang thai bảy chú cá con khi dạt vào bờ. Theo New Scientist, cá mập mẹ không có dấu hiệu bị thương do ngư cụ và các nhà khoa học tin rằng đàn con đã bị văng ra khỏi cơ thể người mẹ trên bờ biển.

Đại diện của Bảo tàng Quốc gia Philippines, người đã công bố phát hiện này trong một bài đăng trên Facebook , cho biết thi thể của cá mập mẹ đã được Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản Philippines đưa đi khám nghiệm cùng với một trong những chú cá con.

Sáu con cá con còn lại đã được đưa đến Bảo tàng Quốc gia Philippines để khám nghiệm. Sau khi được nghiên cứu, các sinh vật sẽ được bảo tồn và lưu giữ tại bảo tàng.

Cá mập sinh con, chứ không phải đẻ trứng

Phát hiện này đã xác nhận rằng, những con cá mập này sinh con chứ không phải đẻ trứng.

Cá mập miệng to chỉ được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1976, khi một con vô tình bị bắt sau khi vướng vào thiết bị hải quân sâu gần Hawaii.

Theo tổ chức bảo tồn đại dương Oceana, loài này chỉ được quan sát thấy trong tự nhiên một vài lần và chưa đến 60 cá thể từng được ghi nhận .

Cá mập miệng to nặng tới 1.225 kg và được đặt tên theo cái miệng tròn, to của chúng. Miệng của một con cá mập miệng to dài tới 5 m, rộng khoảng 1,2 m.

Cá mập miệng to dành phần lớn cuộc đời của chúng trong bóng tối, sống ở độ sâu 4.600 m dưới bề mặt và chỉ đến vùng nước nông hơn vào ban đêm.

Chúng là loài ăn lọc và bơi với miệng há rộng để bắt những loài giáp xác biển nhỏ gọi là nhuyễn thể. Miệng của cá mập miệng rộng chứa các cơ quan phát ra ánh sáng giúp thu hút con mồi.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện mới nhất này của một cá thể sẽ giúp họ tìm hiểu thêm về loài khó nắm bắt này.

Theo Live Science