Pháp luật và sự đồng thuận xã hội

TP - Là một người làm sử, tôi thấy vụ án tại Nông trường Sông Hậu phản ánh một phần bước chuyển đổi của xã hội. Trong đó, vấn đề cốt lõi là chuyển đổi trong luật pháp, vì luật pháp là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Chính vì vậy, phải nhìn vụ án bà Ba Sương trong cả quá trình, từ những hành vi cho đến những yếu tố có liên quan để lấy đó làm căn cứ cấu thành tội phạm.

Theo tôi đừng nên chỉ căn cứ vào yếu tố pháp lý hiện tại để suy xét. Mỗi chúng ta đều liên tưởng trong đời sống xã hội của mình, cơ quan mình cũng có những loại quỹ đời sống như tại Nông trường Sông Hậu.

Trong trường hợp này tôi rất chú ý đến chi tiết chưa được kiểm chứng là đằng sau vụ án này có yếu tố đất đai. Tôi không bình luận trực tiếp về những thông tin TP Cần Thơ muốn lấy đất Nông trường Sông Hậu để làm khu đô thị, nhưng tôi thấy trong xã hội hiện nay, vấn đề đất đai luôn luôn có mặt đằng sau mọi động thái xã hội.

Do vậy, việc lường trước và xem xét cẩn trọng là cần thiết. Nếu quả thực đúng như vậy thì các cơ quan tư pháp phải làm thật nghiêm túc, xem thực tế đến đâu.

Ngoài ra, phải giám sát cả quá trình, nhất là những biến động đất đai liên quan đến vụ án. Khi đó, chúng ta sẽ tìm ra bản chất vấn đề.

Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa nói về những giá trị trong bộ máy hành chính, hành pháp của chúng ta. Còn cá nhân chị Sương cũng là một con người. Từ một người anh hùng trở thành một bị cáo trước vành móng ngựa thì có trách nhiệm rất lớn của xã hội.

Khi có những thay đổi về mặt luật pháp thì trách nhiệm Nhà nước ở đâu? Tôi cho rằng công và tội phải rõ ràng. Nhưng công và tội luôn có mối quan hệ với nhau bởi cuộc sống của một con người là quá trình liên tục.

Cái gì đã khiến một người có công thành có tội? Phải trả lời được câu hỏi này. Một người phụ nữ hơn 60 tuổi, không nhà cửa, chồng, con thì chúng ta phải nhìn một cách nhân văn hơn.

Một số vụ án tham nhũng khác giá trị thất thoát lớn nhưng mức án thấp, còn vụ này án tới 8 năm tù giam là điều cần suy xét. Bởi mục đích cuối cùng của pháp luật là xử lý người có tội, nhưng điều quan trọng hơn là sự răn đe, giáo dục.

Do vậy, nếu không giải tỏa dư luận trong vụ án này thì bản án không có hiệu ứng như chúng ta mong muốn. Tôi nghĩ vụ án này cần tiếp tục làm rõ ra. Bởi đây không chỉ là một bản án cụ thể mà còn là một hiện tượng xã hội.

Nếu làm rõ được bản án thì luật pháp sẽ có sự đồng thuận xã hội cao hơn. Điều này quan trọng hơn rất nhiều. Bỏ một người vào tù là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là để mỗi người bên ngoài nhìn vào tìm thấy những giá trị sống tốt hơn.

Quả thật nếu có chuyện Thành ủy Cần Thơ có văn bản chỉ đạo khởi tố  vụ án theo tội này, tội kia thì đây là điều không chấp nhận được. Nhưng chúng ta tin các cơ quan pháp luật cao hơn ở Trung ương sẽ làm rõ những điều này. Khi nhiều cơ quan ở Trung ương vào cuộc, tôi tin vụ án này sẽ được làm rõ.  

Dương Trung Quốc

 Hà Nhân
Ghi