Đó là vào năm 1980. Tôi đang là lính năm thứ ba thuộc Tổng cục Kỹ thuật, làm giáo viên ở Khoa “Văn hóa cơ sở” tại trường Hạ sĩ quan kỹ thuật WilhelmPieck (tiền thân là trường Quân Cụ dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nay là trường Đại học Quân sự Trần Đại Nghĩa) ở Gò Vấp, Sài Gòn. Năm đó, sau khi Campuchia được giải phóng khỏi chế độ Pol Pot (7/1/1979), chính quyền cách mạng nước bạn cử sang trường tôi 40 chiến sĩ để học kỹ thuật.
Anh em trong đơn vị còn trêu tôi: Mỗi sáng nghe bộ đội CPC tập thể dục hô “một hai ba” cứ như là bốn mươi thằng Nguyên vậy. Thì tôi đã nói từ đầu, học ngoại ngữ phát âm là quan trọng mà, giao tôi dạy thì học trò nói giọng Nghệ của tôi là đúng quá rồi!
Ban giám hiệu nhà trường xem lý lịch quân nhân biết tôi là sinh viên văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội đi lính nên gọi lên giao nhiệm vụ: Dạy tiếng Việt cho bốn chục chiến sĩ Campuchia sao cho sáu tháng sau họ có thể nghe nói, đọc viết được tiếng ta để cùng ngồi học với các bộ đội Việt Nam. Tôi nói: dạy tiếng gồm có dạy phát âm, dạy từ vựng, dạy ngữ pháp, hai phần sau tôi có thể gắng làm được từ những gì đã học thời sinh viên (mặc dù tôi học ngành Văn chứ không phải ngành Ngôn Ngữ), nhưng còn khoản phát âm thì chịu vì tôi nói tiếng Việt giọng Nghệ đến người ta còn khó nghe thì sao mà dạy người nước ngoài nói được. Nhưng trong Quân đội mệnh lệnh là mệnh lệnh, khi cấp trên đã giao nhiệm vụ thì cấp dưới chỉ có việc thi hành. Trước đó công việc của tôi ở Khoa “Văn hóa cơ sở” là dạy toán lý cho bộ đội mình đa phần trình độ văn hóa lớp 7 (hệ 10 năm) để chuẩn bị cho họ vào học chuyên môn kỹ thuật.
Sau khi nhận nhiệm vụ (cùng với Trần Văn Quang, cũng là sinh viên cùng khoa cùng khóa - nhưng sau vài tháng thì Quang thôi), tôi tự nghĩ ra chương trình và giáo án, biên soạn 4 tập sách học tiếng Việt in roneo cho bộ đội Campuchia, và tự mình thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tôi được ở tách riêng ra một bộ phận đóng tại một chung cư với mật danh là T67 trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vốn trước đây là cư xá của phi công chế độ cũ, tôi không còn nhớ số nhà nhưng nhớ là nó đối diện với trường trung cấp hàng không. Tòa nhà hơn mười tầng, tôi cùng các chiến sĩ bạn và bộ phận hậu cần phục vụ ở chỉ khoảng ba tầng, còn lại là để trống. Sau này có nhiều dịp vô TP HCM đi qua đó tôi thấy tòa nhà ấy đã có lúc được chuyển thành khách sạn Omi, và bây giờ là cái gì đó khác nữa. Với tôi, đó là nơi ghi dấu sáu tháng tôi dạy tiếng Việt cho bộ đội Campuchia.
Tôi dạy thế nào? Dạy theo kiểu kinh nghiệm của người bản ngữ hơn là có phương pháp dạy hẳn hoi. Giúp cho tôi có cô Dung phiên dịch, một Việt kiều ở Campuchia về. Mở đầu tôi giới thiệu cho các học viên CPC biết bảng chữ cái tiếng Việt, rồi nói về cách ghép chữ thành tiếng và tiếng thành từ. Và tôi dạy luôn vào từ. Thí dụ, có buổi lên lớp trời se lạnh, tôi đặt một câu: “Hôm nay trời lạnh” và nhờ cô Dung dịch nghĩa câu đó theo từng từ và nghĩa cả câu. Cần thiết thì Dung sẽ viết cả tiếng Miên vào sau câu tiếng Việt cho học viên hiểu. Học viên học theo và thuộc nghĩa. Những hôm có học viên bị ốm, cô Dung phải đưa đi khám ở viện quân y 175 thì tôi phải dạy vòng qua tiếng Pháp. Tôi nhờ đến những học viên có biết tiếng Pháp trong lớp dịch sang tiếng Miên (một số học viên đã qua trung học ở CPC đều biết tiếng Pháp). Những từ cụ thể thì dễ, ví như từ “cái bàn” tôi viết chữ lên bảng rồi chỉ vào cái bàn, thế là cả lớp hiểu nghĩa và nhớ từ. Đến các khái niệm trừu tượng thì tôi kẻ ba cột trên bảng: một cột ghi tiếng Việt, một cột ghi tiếng Pháp, sau đó gọi một học viên CPC biết tiếng Pháp lên điền vào cột thứ ba bằng tiếng Miên. Thí dụ: từ “tự do” tôi chú tiếng Pháp là “Liberté” và học viên chú tiếng Miên theo. Tiếp đó tôi viết cả câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” bằng tiếng Việt và tiếng Pháp “Rien de plus précieux que l’indépendance et la liberté” và tiếng Miên được viết tiếp vào. Tất cả các học viên thuộc và hiểu và nhớ từ. Khó nhất là sự đọc. Tiếng Nghệ của tôi nhiều khi nói ra cả cô Dung cũng không nghe rõ. Còn học viên thì rất lúng túng về mặt thanh điệu để ghi dấu vào từ. Một hôm tôi vào lớp viết một câu lên bảng: “Buoi sang nay troi lanh” và đề nghị cả lớp thêm dấu câu cho đúng. Gần như cả lớp đánh dấu câu sai, nhất là ở chữ đầu tiên thay vì dấu hỏi họ cứ cho dấu huyền khiến cô Dung phải quay mặt và tôi thì cũng ngượng ngùng buồn cười.
Ấy vậy mà thầy trò cũng qua được sáu tháng và các học viên quân sự CPC đã nghe được, viết được tiếng Việt. Khi tiếng Việt đã tàm tạm nghe hiểu, họ lại được học cả toán, lý do các giáo viên khác dạy. Kể ra thế cũng liều mà được việc. Họ chỉ thắc mắc khi ra phố về: thầy giáo ơi, sao thầy dạy chúng tôi “quyển vở”, “cây bút”, “phong bì”, nhưng ngoài phố người dân lại nói là “cuốn tập”, “cây viết”, “bao thư”. Những lúc đó tôi lại giảng thêm cho họ biết thế nào là từ phổ thông, từ địa phương. Cũng có lúc họ đặt một câu tình cảm: “Sáng nay trời lạnh tôi tội nghiệp thầy giáo” thì tôi lại phải giảng giải và nhờ qua cô Dung mà nói rằng từ “tội nghiệp” có thể thay bằng từ “thương”. Tôi vui vì cứ mỗi ngày qua các học viên đến phòng tôi đều đã có thể nói chuyện bằng tiếng Việt, từ ít đến nhiều, từ ngắc ngứ đến trôi chảy. Chỉ họa hoằn tôi mới phải nhờ đến cô Dung, và sau này là anh Thạch Văn Sơn, thông dịch.
Hết thời gian học tiếng, 40 học viên CPC được đưa về trường WilhelmPieck phiên chế thành một trung đội riêng và ngày ngày lên lớp học cùng bộ đội VN. Các giáo viên dạy kỹ thuật phần lớn là người Bắc, giọng họ nhẹ và trong. Song có lẽ do đã quen với tiếng tôi nặng và đục suốt nửa năm trời nên gần một tháng đầu học, các chiến sĩ CPC đều phản ánh với Ban giám hiệu nhà trường là “các thầy nói sai hết, chỉ thầy Nguyên nói đúng”. Tôi nghe mà nửa cười nửa mếu. Anh em trong đơn vị còn trêu tôi: Mỗi sáng nghe bộ đội CPC tập thể dục hô “một hai ba” cứ như là bốn mươi thằng Nguyên vậy. Thì tôi đã nói từ đầu, học ngoại ngữ phát âm là quan trọng mà, giao tôi dạy thì học trò nói giọng tôi là đúng quá rồi! Nhưng dần dần họ nghe quen giọng các thầy, lại giao tiếp với các học viên VN trong lớp, và dễ dàng tiếp thu các bài học chuyên môn. Tôi thấy mừng vì mình đã có công đặt những cơ sở ban đầu của tiếng Việt cho họ.
Từ đó đã gần bốn chục năm trôi qua. Tôi tiếc là bốn tập giáo trình dạy tiếng Việt cho bộ đội CPC in roneo mà tôi biên soạn hồi ấy được lưu trong thư viện nhà trường nay cũng không còn. Trong đó các bài khóa (text) phần nhiều tôi đều dịch từ một cuốn sách tiếng Nga dạy cho người làm kỹ thuật mà đến nay tôi cũng không nhớ là làm sao tôi có được trong tay, chắc có lẽ tôi đã cầm theo khi chuyển quân từ Bắc vào.
Sáu tháng dạy tiếng Việt cho bộ đội CPC được tôi ghi nhật ký đều đặn. Xin trích mấy đoạn.
“Lên lớp buổi đầu tiên cho các bạn CPC. Chưa đi vào chương trình chính thức. Mới cùng Dung nói vài lời mở đầu, tự giới thiệu, thì Dung phải theo quân y đưa mấy chiến sĩ bạn đi viện 175. Còn lại mình xoay xỏa với 36 anh em khác. Mình dùng tiếng Pháp tóm lược nội dung chương trình cho bạn biết, vừa nói vừa viết bảng cũng hiểu được, vì khá đông anh em CPC qua trung học đã có biết tiếng Pháp. Hơn nữa tiếng Việt và tiếng Khơme cũng vốn là gần gũi nhau, khi phát âm dễ tiếp thu. Mới ngay một buổi sáng mình đã cho tập phát âm, tập viết, tập ghép vần 9 nguyên âm và 10 phụ âm. Anh em hiểu được, nắm được khá nhanh, chỉ có điều là họ nói thường bỏ mất thanh điệu và do đó khi viết không có các dấu thanh.” (Thứ năm – 16/10/1980)
“Tối trò chuyện với một vài anh em CPC, hiểu hơn về cuộc sống bên trong của họ. Kinko có một người yêu tên là Bunnary, 19 tuổi, làm y tá ở Phnom Penh, viết thư tình bằng tiếng Pháp khá hay. Tes Moni lặng lẽ vẻ ngoài nhưng lại có một nội tâm phong phú. Sống có tâm hồn. Ty Soe Kha vui vẻ, nói cười luôn miệng, thường thích kêu đùa là tiếng Việt khó học nhưng lại rất chăm học; chiều nay trong giờ đặt câu anh chiến sĩ bạn đó đã viết được một câu như thế này – “tối qua thời tiết lạnh buốt làm cho tôi không ngủ được, nhớ nhà”. Lại nhớ mới mấy hôm trước Chuân Pâu viết trong bài kiểm tra về nhà – “Yêu là kẻ thù của học tập”; anh bạn này khá thạo tiếng Pháp, tỏ ý không thích toán, lý, hóa, mà lại thích droit politique (luật chính trị - PXN dịch)”. (Thứ hai – 27/10/1980).
Tôi ra quân tháng 6/1982 và không hề có tin tức, liên lạc gì với các chiến sĩ CPC – học viên tiếng Việt của tôi. Nhiều lần đi du lịch sang đất nước chùa tháp tôi cũng đã có ý định tìm kiếm họ nhưng không có kết quả. Tôi muốn biết số phận họ về sau thế nào – có thể có người trong số họ sẽ giữ những vị trí quan trọng trong quân đội hoàng gia CPC vì đây là lứa cán bộ đầu tiên được cử đi học sau ngày 7/1/1979, và tiếng Việt giọng Nghệ của tôi họ còn lưu giữ không. Giá mà gặp được người nào trong số họ để thầy trò cùng nói tiếng Nghệ giữa thủ đô Phnom Penh thì cũng thú vị.