Phải thay đổi tư duy khoa cử, quan trường

TP - Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Trưởng ban Khoa giáo T.Ư, Hội nghị T.Ư 6 đã không thông qua bản Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục do Bộ GD&ĐT trình, vì còn nhiều ý kiến phải thống nhất lại.

> Đề xuất gộp sử - địa thành môn học mới
> Đổi mới giáo dục: 'Cả nhà' cùng kêu khó!

Cần đào tạo con người có lương tâm nghề

Theo GS Phạm Minh Hạc, trong 3 năm (2010-2012), mỗi năm nước ta có thêm 11 trường ĐH là nhiều lắm. Gần như mỗi tháng Bộ GD&ĐT cho phép thành lập một trường ĐH. Trên thế giới chả có nước nào làm vậy.

Vậy mà vấn đề này còn được đánh giá là “không còn quá nóng”! Với thực trạng như vậy cộng với việc triển khai các chủ trương, chính sách về giáo dục chậm như vậy thì làm sao có sự đổi mới giáo dục một cách thực sự.

 Chưa có triết lý giáo dục mà ngành đã làm chương trình, biên soạn sách giáo khoa. Làm như thế liệu nội dung có phù hợp với nghị quyết về giáo dục?

GS Phạm Minh Hạc

GS Phạm Minh Hạc nói: Nền giáo dục mà tất cả chạy theo khoa cử và quan trường, không mở được cái “khóa” đó thì làm sao đổi mới. Nhà quản lý, gia đình, người học đều quan tâm đến vấn đề thi, học sinh đổ dồn vào thi, học thêm, và tiêu cực xuất hiện...

Cần thay đổi lại triết lý giáo dục. Trước hết phải thực sự đào tạo ra những con người lao động có tay nghề, lương tâm nghề, đạo đức nghề chứ hiện nay ta vẫn còn quanh quẩn ở chất lượng nhưng không nói rõ được chất lượng đó cụ thể là gì, như thế nào.

Các trường cứ đào tạo xong, phát cho học sinh một tấm bằng, họ làm được việc hay không thì mặc. Thực trạng như vậy thì làm sao chất lượng giáo dục tiến lên được!

Chưa có triết lý giáo dục mà ngành đã làm chương trình, biên soạn sách giáo khoa. Làm như thế liệu nội dung có phù hợp với nghị quyết về giáo dục? Vì vậy, làm sao có thể có sách vào năm 2015. “Triển khai như thế lúng túng lắm. Con em mình phải chịu đựng thôi”, ông Hạc nói.

Sốt ruột về đổi mới sách giáo khoa

GS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho rằng, phải đổi mới thi cử và sách giáo khoa nếu không mọi thứ sẽ vô nghĩa!

“Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chưa được Hội nghị T.Ư 6 thông qua là do chưa đáp ứng yêu cầu”. Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục –TTN&NĐ của Quốc hội Đào Trọng Thi mới đây cho biết như vậy.

Theo GS-TS Đào Trọng Thi, để đáp ứng được sự thay đổi căn bản toàn diện đối với giáo dục đại học (GD ĐH) chỉ cần thực hiện tốt Luật GDĐH mới ban hành là được, vì luật này đã bám sát các yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện, có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến GDĐH.

Đối với giáo dục đại học theo ông Thi, cần tổ chức các giải pháp để đảm bảo chất lượng mà trước hết là chương trình, sách giáo khoa (SGK). “Về việc đổi mới chương trình SGK còn ít thời gian và tôi rất sốt ruột”, ông Thi nhấn mạnh.

Theo ông, Bộ GD&ĐT triển khai việc này một cách bề bộn, không có gì dứt điểm và dường như Bộ GD&ĐT ngại khẳng định một cách chính thức các chủ trương.

Ông Đào Trọng Thi cho biết, khi đoàn công tác của Quốc hội đi giám sát, có thể thấy những đơn vị, cơ sở GD có liên quan cũng bề bộn, ngổn ngang và chưa đâu vào đâu.

Chúng tôi đề xuất sau thời gian giám sát các vấn đề về giáo dục, QH phải có nghị quyết về giám sát, trong đó, quy định QH phải ra nghị quyết về đổi mới chương trình SGK, nếu không, Bộ GD cũng không thực hiện được các giải pháp, vì không đúng với luật hiện hành.

Muốn chương trình SGK được thực hiện, sử dụng để giảng dạy tốt thì cần các điều kiện kèm theo là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phải tốt. Ông Thi nhận xét: Hiện nay, đầu tư cho thiết bị trường học đang rất lãng phí, nhiều thiết bị không phù hợp, không có người sử dụng, không có phòng chức năng để đặt thiết bị vì thế thiết bị không được sử dụng, trong khi nhiều học sinh phải học chay. Bên cạnh đó, quy hoạch giáo viên hiện nay cũng có nhiều vấn đề: Vừa thừa vừa thiếu ở các cơ sở giáo dục.

Bàn về vấn đề đổi mới giáo dục toàn diện, GS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, phải đổi mới thi cử và sách giáo khoa nếu không mọi thứ sẽ vô nghĩa!

Theo GS Kiều, tình trạng biên soạn sách giáo khoa hiện nay thiếu cơ sở khoa học. Người ta kêu sách vừa thừa vừa thiếu là do họ đã nhìn con người, học sinh ở bối cảnh hiện tại.

Học sinh học như thế thì thiếu cái này thừa cái kia, thực tế là học sinh thiếu kỹ năng sống, kiến thức chỉ thiên về lý thuyết. Về sai sót của SGK thì khá là nhiều, đã được in thành mấy quyển sách.

Muốn đổi mới giáo dục phải xác định được mục tiêu. Chúng ta về cơ bản vẫn chú trọng chữ nghĩa; các nước thiên về việc dùng chữ để thực hành trong cuộc sống thật.

“Tôi cũng đồng ý với một số người rằng, nền giáo dục của chúng ta chưa vượt khỏi phạm vi ứng thí. Người học chỉ có mục đích vượt qua các kỳ thi, nhất là thi tuyển vào 10, thi đại học. Nếu không cải cách về thi cử thì tất cả mọi cải cách khác đều vô nghĩa”-GS Kiều nói.

Theo Báo giấy