Gỡ bài toán giao thông, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh:
Phải cương quyết điều chỉnh quy hoạch
PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng để giải bài toán giao thông hiện nay của Hà Nội cần phải rất cương quyết nhìn vào sự thật, nhìn vào những sai lầm của chúng ta, để từ đó kiên quyết sửa.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản trình Thủ tướng đề xuất phương án thay đổi thời gian làm việc, học tập và giờ kinh doanh thương mại tại Hà Nội, ông nghĩ sao về đề xuất này?
Cá nhân tôi đánh giá rất cao sự năng động và xông xáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Giải quyết bài toán giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM hiện nay quả thực không dễ. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn và nhiệm vụ nặng nề mà Bộ trưởng Bộ GTVT đang gánh vác.
Với tinh thần hết mình vì công việc, Bộ trưởng đã làm nóng được vấn đề bức xúc lâu nay của người dân, tôi tin là dư luận cũng rất ủng hộ mục đích của ông. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ, cái “nóng” đó cũng có nguy cơ trở thành đám cháy, và cái giá phải trả là không nhỏ.
Đề xuất thay đổi giờ làm việc không phải là đề xuất mới. Nó là biện pháp tạm thời như liều thuốc giảm đau, nhưng cá nhân tôi nghĩ vẫn cần thận trọng khi đi đến quyết định thực hiện.
Lý do chính là, lượng khách vãng lai ra vào Hà Nội rất lớn và nhu cầu tham gia giao thông cũng như thói quen tham gia giao thông, nhịp sống của xã hội không phải chỉ một quyết định hành chính là có thể thay đổi được. Việc bịt các ngã tư vừa qua Hà Nội có thể xem là một bài học cần rút kinh nghiệm, chúng ta đã bỏ ra rất nhiều tiền nhưng hiệu quả thì không được như chúng ta dự tính nếu không muốn nói nhiều nơi còn thêm rối loạn hơn.
Nhưng lúc này, vẫn cần có những liều thuốc giảm đau vì các biện pháp tổng thể toàn diện không thể thực hiện được ngay thưa ông?
Tôi đồng ý, dù sao chúng ta cũng cần các liệu pháp giảm đau. Nhưng tôi nghĩ liệu pháp của chúng ta đưa ra phải “biết người biết ta”, chúng ta phải biết chỗ nào ách tắc, tại sao ách tắc và sau đó mới bốc thuốc. Để bốc thuốc được thì phải biết nguyên nhân, chứ nếu chưa biết đến nơi đến chốn mà đã ra ngay thuốc thì có khi thuốc hay, nhưng con bệnh vẫn không đỡ.
Chúng ta phải điều tra từng điểm, các luồng giao thông đi lại, tìm ra những nút cổ chai, có thể biện pháp đầu tư, khống chế, điều tiết chúng. Cũng giống như chuyện chống úng lụt ở Hà Nội, cái này là “úng giao thông” cũng thế.
Từ góc nhìn của một nhà quy hoạch đô thị, ông thấy đâu là mấu chốt để gỡ bài toán giao thông hiện nay?
Tôi xin được gói vào hai chữ: Cương quyết. Phải rất cương quyết nhìn vào sự thật, nhìn vào những sai lầm của chúng ta, để từ đó chúng ta phải kiên quyết sửa, cho dù Quy hoạch chung Thủ đô vừa mới được phê duyệt nhưng nếu nó sai thì vẫn phải cương quyết phản biện để chỉnh sửa, nếu không sai lầm sẽ nối tiếp sai lầm và cái giá chúng ta phải trả sẽ ngày một lớn.
Dứt khoát chúng ta cũng phải đầu tư kết cấu hạ tầng diện rộng, tạo điều kiện để cho các trung tâm đô thị xung quanh phát triển để “giảm tải” cho Thủ đô Hà Nội. Phương thuốc này là quy hoạch vùng chứ không phải quy hoạch đô thị. Phải điều chỉnh quy hoạch vùng và phải cương quyết chứ không thể làm theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”.
Làm điều này thực sự khó, không dễ vì nó là lợi ích nhóm chi phối, giống như quy hoạch chung Thủ đô phải giải quyết hàng trăm dự án vướng quy hoạch. Vậy quy hoạch vùng thì có dám điều chỉnh lại hay không. Tôi nghĩ là cũng rất khó.
Cảm ơn ông.