Phá bỏ rào cản tâm lý 'tuổi nhỏ làm việc nhỏ' và giao việc khó việc mới cho người trẻ

TPO - Trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020, Diễn đàn "Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam" số 3 tổ chức tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều ý kiến về hạn chế trong thu hút sử dụng nhân tài, "chảy máu chất xám"; đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng văn hóa sử dụng người tài, tạo môi trường rèn luyện và giao việc khó, việc mới cho người trẻ; phải phá bỏ rào cản suy nghĩ "tuổi nhỏ làm việc nhỏ"...

Trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020, Diễn đàn "Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam" số 3 tổ chức tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự chương trình có chị Vũ Thị Giáng Hương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn.

Diễn đàn số 3 diễn ra tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 Chảy máu chất xám, thui chột tài năng

 Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cho rằng thời gian qua công tác tìm kiếm phát hiện, tôn vinh và phát huy tài năng trẻ đạt nhiều kết quả, vẫn còn một số bất cập và hạn chế trong sử dụng, bồi dưỡng; đồng thời chỉ ra nguyên nhân "cản đường" người trẻ giỏi dẫn đến "chảy máu chất xám", thậm chí tài năng trẻ bị thui chột.

 Đại biểu Đoàn Văn Trường (Thanh Hóa) cho rằng việc trọng dụng và phát huy tài năng trẻ ở nước ta hiện vẫn còn những bất cập, nhất là trong khối hành chính sự nghiệp và trong các cơ quan quản lý nhà nước; vẫn còn hiện tượng "chảy máu chất xám" và dẫn ra thông kế trong số 18 quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chỉ có 3 người về nước làm việc...

 Theo đại biểu Trường, thực tế "chảy máu chất xám" là điều phải chấp nhận và dễ thông cảm để chấp nhận. Họ có tài năng mà không có môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để phát huy và sáng tạo những chất xám của họ nên bắt buộc họ phải chọn nơi mà họ phát huy được. Do đó, cần tạo môi trường học tập và nghiên cứu phù hợp, tốt giúp phát triển năng khiếu, tư duy sáng tạo và định hướng tích cực cho tài năng trẻ rèn luyện, phấn đấu và cống hiến cho đất nước.

Đại biểu Đoàn Văn Trường chia sẻ tại diễn đàn

 Đại biểu Phan Văn Lương (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) cho rằng cần đổi mới quy trình đào tạo nhằm thực hiện học đi đôi với hành; mở rộng tuyến tuyển sinh; đổi mới phương pháp học tập cho học sinh sinh viên... để tháo gỡ khó khăn công tác tìm kiếm, thu hút và đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ lĩnh vực nghệ thuật.

 "Việc bố trí sử dụng và theo dõi sự phát triển của tài năng sau giai đoạn đào tạo chưa thực sự được quan tâm. Nhiều em có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, được phát hiện nhưng chưa có những cơ chế đầu tư cụ thể cho đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, dẫn đến tài năng bị thui chột. Nhiều tổ chức quốc tế đầu tư cho các tài năng trẻ đi học ở nước ngoài, nhưng sau khi được đào tạo, một số em đã không trở về nước", đại biểu Lương nói.

 

 Tạo môi trường rèn luyện, giao việc khó

 Diễn đàn cũng đã nhận được nhiều đề xuất giải pháp tạo môi trường rèn luyện, thử thách; giao việc khó... để người trẻ phát huy sức sáng tạo, tài năng.

 Đại biểu Nguyễn Nam Thắng (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tài chính số, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho rằng để sử dụng tài năng trẻ lãnh đạo, các cấp quản lý cần giao việc khó, việc mới. 

 "Chúng tôi quan niệm việc bình thường chỉ dành cho những người bình thường, người trẻ muốn thể hiện năng lực bản thân thì phải xắn tay vào làm những việc khó, lại càng không được ngại ngần trước những thử thách mới. Việc càng khó thì càng cần những ý tưởng và năng lực mới mẻ để tìm ra cách giải quyết sáng tạo", đại biểu Thắng nói.

Đại biểu Thắng cũng cho rằng, nhiều người vẫn nghĩ thế hệ trẻ hiện nay theo cách "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" là một quan niệm sai lầm. Các tổ chức phải phá bỏ rào cản tâm lý khi nhìn vào những người trẻ, phải coi họ là tương lai, là nguồn năng lượng sáng tạo và là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của tổ chức.
Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp phát huy tài năng trẻ được chia sẻ tại Diễn đàn số 3

 Đại biểu Tạ Văn Thịnh (Viện Nghiên cứu khoa học - Thiết kế, Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro) chia sẻ, công tác Đoàn và phong trào thanh niên là môi trường rèn luyện để gây dựng, phát hiện và phát huy sức sáng tạo người trẻ.

 Đại biểu Thịnh cho rằng,  tổ chức Đoàn nên tập trung trước tiên vào vấn đề nhu cầu tôn trọng và được thể hiện - một trong số những nhu cầu của con người theo tháp nhu cầu của Maslow, để phát huy tốt tiềm năng của các cá nhân.

 Đồng thời, tổ chức Đoàn và hoạt động của Đoàn cần liên tục đặt ra các thử thách cho đoàn viên thanh niên qua thấy được nghị lực phấn đấu của mỗi người. "Thử thách là yếu tố giúp phát hiện tài năng nhưng việc ghi nhận sự cống hiến của các cá nhân chính là chìa khóa duy trì và nâng tầm cho tài năng phát triển hơn nữa. Thử thách thì có rất nhiều và dễ thực hiện, cái khó hiện nay là làm sao duy trì được sự phấn đấu và nâng tầm cho tài năng đó phát triển hơn nữa", anh Thịnh nói.

Đại biểu Hà Đăng Quyền chia sẻ tại diễn đàn.

 Đại biểu Hà Đăng Quyền (Công ty Cổ phần gạch men Tasa) chia sẻ về công tác phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ trong thanh niên công nhân; cho rằng để có những sáng kiến tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng thì nhân tố con người có vai trò quyết định. Do đó, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao, chuyên nghiệp thì phải khơi dậy được tinh thần đam mê, sáng tạo ở người lao động.

Theo đại biểu Quyền, để kích thích khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi người lao động không gì tốt hơn là truyền “lửa” cho họ bằng một bầu không khí thi đua sôi nổi; động viên khen thưởng kịp thời.

Các đại biểu tại Diễn đàn số 3

Diễn đàn cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất về cơ chế, chính sách đãi ngộ và tiền lương với người trẻ giỏi; xây dựng văn hóa sử dụng người tài; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm, phát hiện tài năng và các hoạt động đào tạo bồi dưỡng tài năng...

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề cập vai trò của mỗi cá nhân trong việc chủ động xác định năng lực bản thân và rèn giũa; đặt tài năng trong sự tham chiếu về đạo đức, văn hóa, lợi ích xã hội; có ý chí phấn đấu và khát vọng vươn lên.