Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và rõ rệt, xu hướng chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Đặc biệt, các yếu tố môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G) đóng vai trò then chốt. Chuyển dịch năng lượng là một xu hướng không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành năng lượng. Trong quá trình này, ESG là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến việc chuyển đổi năng lượng.
Tham dự hội thảo có ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Petrovietnam; ông Boon Hoe OOI - nguyên Tổng Giám đốc Điều Hành Cảng Jurong (Singapore); ông Shai Ganu - Thành viên Hội đồng chuyên gia về Quản trị và Khí hậu - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Giám đốc Điều hành, Nhà Lãnh đạo Tư vấn Toàn cầu của Willis Towers Watson, Chủ tịch ủy ban ESG tại Viện Hội đồng Quản trị Singapore; cùng đại diện các ban chuyên môn và các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Minh Tiến cho biết: "Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, vai trò của việc thực hiện ESG trở nên quan trọng và cấp thiết. Đối với Petrovietnam - Tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu trong ngành năng lượng thì việc xây dựng và triển khai chiến lược ESG không chỉ là điều cần thiết mà còn là sứ mệnh chúng ta cam kết thực hiện vì sự phát triển của các doanh nghiệp và cộng đồng.
Trong những năm qua, Petrovietnam đã nỗ lực không ngừng để thực hiện đưa ESG vào mọi hoạt động của Tập đoàn như quản trị doanh nghiệp, quản trị môi trường, chăm lo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, sự phức tạp và khác biệt trong quy mô, mô hình hoạt động của Petrovietnam và các đơn vị thành viên đòi hỏi chiến lược ESG đồng bộ nên cần phải có những giải pháp để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay".
Ông Bùi Minh Tiến nhấn mạnh, Hội thảo sẽ giúp Petrovietnam cũng như các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các mô hình hoạt động hiệu quả của các quốc gia tiên tiến, trong đó có Singapore, quốc gia dẫn đầu tại châu Á về việc thực hành ESG. Từ đó, Petrovietnam và các đơn vị thành viên sẽ nâng cao chiến lược bền vững trong các kế hoạch kinh doanh của mình, đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn, hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2050.
Tại hội thảo, ông Boon Hoe OOI đã có những chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện ESG tại Singapore và đưa ra những gợi ý giúp Petrovietnam đưa tính bền vững trở thành ưu tiên kinh doanh cốt lõi, và thực hiện ESG nhanh chóng hiệu quả hơn.
Theo ông Boon Hoe OOI có 3 lý do khiến ESG của Petrovietnam khác với đa số doanh nghiệp khác gồm: giấy phép xã hội ESG dành cho các công ty dầu khí khó có hơn so với các công ty, doanh nghiệp khác; Petrovietnam là công ty dầu khí quốc tế - quốc gia biến ESG trở thành một "hành động cân bằng" hơn so với các công ty khác; bản thân Petrovietnam là một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm nhiều đơn vị thành viên liên quan.
Ông Boon Hoe OOI cho biết: "Không giống như các thực thể kinh doanh đơn lẻ khác, Petrovietnam có thể xem xét chiến lược ESG theo cách mà quốc gia có thể thực hiện. Trong khi việc triển khai chiến lược của mỗi công ty thực thể nên theo hướng từ dưới lên, thì phương pháp tiếp cận của Tập đoàn có thể theo hướng từ trên xuống. Việc triển khai chiến lược ESG của Petrovietnam nên được thúc đẩy theo hướng "từ trên xuống".
Cũng tại hội thảo, ông Shai Ganu đã có phần trình bày với chủ đề khai thác các cơ hội liên quan đến Môi trường (E), xã hội (S), và quản trị (G). Theo nghiên cứu của WTW về nguyên mẫu công ty, các doanh nghiệp định hướng tuân thủ tập trung vào việc đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý hoặc kỳ vọng cơ bản của nhà đầu tư hoặc người tiêu dùng. Định hướng trách nhiệm xã hội tập trung vào các giá trị và mục đích của công ty cũng như sự liên kết các giá trị giữa nhiều bên liên quan. Định hướng chiến lược kết hợp các mối liên kết được xác định rõ ràng và được tính toán giữa ESG và hiệu quả kinh doanh, quản lý rủi ro, tạo ra giá trị, mối liên kết chặt chẽ với một chương trình nghị sự ESG toàn diện.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến bộ ba rủi ro - lợi nhuận - tính bền vững và vai trò của tính bền vững trong phương trình tài chính.
Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Lê Thị Lam Trà - Phó Trưởng Ban Quản trị nguồn nhân lực Petrovietnam cho biết: "Hội thảo đã mang đến những thông tin, kiến thức về tầm quan trọng của ESG, các nguyên tắc quản lý phát triển bền vững trên thế giới, cũng như cụ thể đến từ thực tiễn của Singapore; đồng thời trao đổi những thách thức của Petrovietnam để có thể đưa ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao định hướng phát triển bền vững trong chiến lược phát triển Tập đoàn".