Lấy công nghệ làm trọng tâm, dự án nhấn mạnh vai trò tiên phong của PepsiCo trong việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ giữa các bên, nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tác động của rác thải nhựa và khuyến khích hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Hiện nay,rác thải nhựa là một thách thức lớn trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,62 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải cao hơn mức trung bình của thế giới. Riêng TP. HCM, mỗi ngày phát sinh hơn 9.000 tấn rác thải, trong đó rác nhựa chiếm tỷ trọng lớn,gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống xử lý và môi trường.
Dự án "Trường Đại học Xanh" (Green Point) hướng tới thực hiện các giải pháp đồng bộ như nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng thu gom, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm giải quyết vấn đề rác thải đang bức thiết.
Trong gần hai thập kỷ, PepsiCo đã nỗ lực đổi mới để cân bằng lợi nhuận tài chính với lợi ích cho con người và hành tinh nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu thông qua chiến lược chuyển đổi toàn diện PepsiCo Positive (Pep tích cực). Pep tích cực đặt tính bền vững làm trung tâm, thúc đẩy tăng trưởng và tạo giá trị bằng cách hoạt động trong giới hạn hành tinh và truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực.
Tại Việt Nam, năm 2024 Pep tích cực được hiện thực hóa bằng vốn đầu tư gần 90 triệu USD để xây dựng nhà máy mới hiện đại tại Hà Nam, với cam kết mở rộng chương trình nông nghiệp bền vững thông qua hợp tác với nông dân Hà Nam và nông dân khu vực phía Bắc, song song đó là bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ trong nông nghiệp. Nhà máy PepsiCo Foods Hà Nam sẽ được vận hành bằng năng lượng tái tạo như nhiên liệu sinh khối và năng lượng mặt trời, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất, giảm thiểu tác động môi trường cũng như áp dụng bao bì thân thiện hơn với môi trường, để giảm thiểu rác thải nhựa và hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn.
PepsiCo Foods Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các thành viên Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (ProVN) để thúc đẩy các giải pháp bền vững về quản lý rác thải. Theo đó, ProVN cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì tại Việt Nam trong năm 2024, đồng thời thí điểm xây dựng các mô hình tuần hoàn phù hợp với điều kiện thị trường và thói quen tiêu dùng tại Việt Nam.
Các mô hình này tuân thủ nguyên tắc 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế), nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và góp phần xây dựng Việt Nam xanh, sạch, bền vững. Đây là các bước chuẩn để thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực vào năm 2024, với khát vọng đến năm 2030, tất cả sản phẩm của các thành viên sẽ được sản xuất, phân phối và tái chế hoàn toàn tại Việt Nam.
Ở cấp độ khu vực, năm 2024, PepsiCo tổ chức Chương trình Greenhouse Accelerator phiên bản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) nhằm thúc đẩy các giải pháp thế hệ mới cho tương lai bền vững. Chương trình thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp chú trọng giảm thiểu rác thải, cải thiện an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
GRAC, một trong những công ty khởi nghiệp nổi bật của Việt Nam, đã xuất sắc lọt vào top 10 chung kết chương trình APAC 2024. GRAC cung cấp giải pháp chuyển đổi số quản lý rác thải và kinh tế tuần hoàn. Dự án Green Point ra đời với khát vọng giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy tái chế bền vững trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu thu gom 600.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm vào năm 2030. Đây là một giải pháp mang tính đột phá, kết nối công nghệ với cộng đồng và doanh nghiệp, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái xanh toàn diện. Mô hình quản lý chất thải của GRAC tại Việt Nam giúp giảm thiểu chất thải, phân loại chất thải tại nguồn và giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện GRAC đang phối hợp cùng PepsiCo để mở rộng hoạt động thu gom chai PET, lon nhôm, ly nhựa, vỏ hộp sữa và bao bì snack thông qua ứng dụng công nghệ, hướng đến nâng cao nhận thức và hành vi phân loại rác tại nguồn của người dân – đặc biệt là thế hệ trẻ hỗ trợ xây dựng một hệ thống thu gom bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn và tái chế.
Là một trong những đơn vị đồng tổ chức, Trường Đại học Văn Lang không chỉ góp phần thực hiện dự án "Trường Đại học Xanh" mà còn đảm nhận vai trò tiên phong trong việc quan tâm và thúc đẩy phát triển bền vững.