'Ông vua Chèo'

TP - Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 đang diễn ra tại Hà Nam (từ 12 đến 28/10), có 27 vở diễn, thì riêng Trần Đình Ngôn có 3 vở được dàn dựng.

Khởi nghiệp trên đất Cảng Hải Phòng, lập danh ở Hà Nội… nhưng tấc đất chôn rau cắt rốn của Trần Đình Ngôn lại ở làng Giành huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Học hết phổ thông, Trần Đình Ngôn vào đoàn chèo Tả Ngạn, làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa. Anh tiếp cận với chèo và bắt đầu sáng tác, rồi lấy vợ và lập nghiệp. Gần ba chục năm sau (1989) mới đẩy cả con thuyền từ bến cảng về Hà Nội, tìm đất lập danh.

Còn nhớ lại năm 2005, Viện Sân khấu đã công bố một tài liệu: Sau 50 năm hoạt động sân khấu (1955-2005) riêng Trần Đình Ngôn đã đóng góp số kịch bản chiếm 33% Huy chương vàng, 25% Huy chương bạc của các vở chèo được tặng giải thưởng. Danh xưng ông vua chèo trong làng chèo hiện đại xuất hiện.

Ông vua chèo Trần Đình Ngôn có sức tung hoành ngang dọc các Liên hoan, hoặc các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Ấy là khi các Đoàn chèo thay nhau dựng vở của ông. Vở Trinh phụ hai chồng có 12 đoàn dàn dựng. Còn những vở có 4-5 đoàn dựng thì khá nhiều. Hiện tại cả nước có 18 đoàn chèo/nhà hát chuyên nghiệp hoạt động. Nhưng tác giả viết chèo có chất lượng cao thì ít, thế nên có Liên hoan toàn quốc, chỉ tác phẩm của ông tham gia đã chiếm ngót 50%. Có bạn nghề đã nói vui: Đây là Liên hoan chèo Trần Đình Ngôn...

Có một chuyện thú vị thế này: Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp 2009, quy chế ghi rõ: “Mỗi tác giả, đạo diễn chỉ được tham gia sáng tạo không quá 3 tác phẩm”. Nhưng vào hội diễn thì các đoàn đã sử dụng của Trần Đình Ngôn và đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ tới 5 vở! Cứ tưởng gặp rắc rối. Rồi sau cũng được giải quyết, bởi tác giả chỉ có quyền sáng tạo, còn dự thi hay không lại do các đoàn''. Có ông trưởng đoàn chèo nói thẳng tưng rằng: “Được vở của ông Ngôn, bàn tay đạo diễn ông Sừ không chỉ là chất lượng mà việc được duyệt kinh phí dựng vở cũng dễ...”.

Năm ấy hai cha con Trần Đình Ngôn và Trần Đình Văn (nay đã mất) có tới 8/19 vở tham gia. Ngồi ghế trong ban giám khảo, Trần Đình Ngôn đề nghị BTC cho mình rút khỏi đối tượng xét tặng tác giả xuất sắc, kể cả con trai cũng rút khỏi diện xét giải tác giả, để tránh tiếng vừa đá bóng vừa thổi còi.

Năm 2011, Liên hoan sân khấu chèo hiện đại tổ chức ở Thái Bình, Trần Đình Ngôn được dàn dựng 4 vở (cả Liên hoan có 16 vở), thì một vở giành Huy chương vàng, một vở Huy chương bạc. Còn tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 có 27 vở diễn, riêng Trần Đình Ngôn là tác giả 3 vở được dàn dựng: Hồng Hà nữ sĩ, Nguyễn Đình Nghị Duyên nợ cùng chèo.

* * *

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cầm tinh con ngựa (Nhâm Ngọ -1942), học hết bậc phổ thông, giỏi văn, từng đi thi văn miền Bắc, Trần Đình Ngôn đã phải đi làm, để bớt gánh nặng cho gia đình. Thân phụ là con một nhà nho có uy tín trong vùng. Từ nhỏ ông được nghe người cha kể lại nhiều tích truyện, ngợi ca tiết tháo của các bậc tiên liệt anh hùng, những câu ca dao, tục ngữ và truyện dân gian thấm đẫm chất nhân văn.

Giống như giọt nước mát lành cứ thấm dần vào gốc cây non trên nền đất ẩm, để sau này bật nở nụ hoa nghệ thuật. Trần Đình Ngôn là người hiếu học, học từ lớp ngắn hạn đến dài hạn, cả chuyên tu và tại chức, học mỹ học, triết học và nghiên cứu sân khấu một cách bài bản… Ông kể thời trẻ từng trải nghiệm từ chân kéo màn, nhắc vở, chạy cờ, đóng vai quần chúng… Nhờ ham học, nên có bằng cử nhân văn chương, rồi trở thành tiến sĩ ngữ văn.

Từng là Viện trưởng Viện Sân khấu, lại là giảng viên Trường Sân khấu điện ảnh Khoa chèo, tiến sĩ Trần Đình Ngôn vẫn không ngừng niềm đam mê sáng tác. Bình quân mỗi năm ông cho ra đời 2 vở chèo dài. Tính ra có hơn 100 kịch bản, được dàn dựng và xuất bản.

Một cảnh Duyên nợ cùng chèo “biên kịch Trần Đình Ngôn, đạo diễn: NSƯT Đoàn Vinh do Nhà hát chèo Hải Dương thể hiện.

Năm 1999, Trần Đình Ngôn chuyển sang sáng tác về danh nhân lịch sử văn hóa. Những tên đất tên làng, địa linh nhân kiệt đã vào các vở chèo làm cho mảnh đất và con người thêm sang trọng, thiêng liêng. Những nhân vật nổi tiếng, như Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ, sư tổ thiền phái Trúc Lâm (Pháp Loa), Huyền Quang, đến các nghệ sĩ nhân dân Cả Tam, Minh Lý… đều được sân khấu hóa. Những tác phẩm ấy đã đóng đinh trong lịch sử sân khấu hiện đại bằng nhiều giải thưởng cho tác giả và những nghệ sĩ sắm vai.

Không chỉ giảng dạy trong Đại học Sân khấu điện ảnh, tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, sinh viên làm đề án tiến sĩ và thạc sĩ, tham gia hội thảo khoa học, đi các tỉnh giúp đỡ phong trào sáng tác cơ sở…Trần Đình Ngôn còn viết sách lý luận về nghệ thuật chèo. Ông sáng tác thơ, viết tản văn giàu chất nghệ thuật truyền thống.

Tiến sĩ Trần Đình Ngôn (bên phải và tác giả).

Đã vào tuổi tám mươi, người đảng viên nghệ sĩ, tiến sĩ, nhà giáo Trần Đình Ngôn vẫn hăng hái trên con đường sáng tạo. Ông được nhiều giải thưởng, với nhiều Huy chương ở hai lĩnh vực biên kịch và đạo diễn. Trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2017). PGS Tất Thắng nhận xét: Ở Việt Nam, kế tục chèo Tào Mạt là Trần Đình Ngôn. Tôi bỗng liên tưởng tới người thợ sơn tràng, lặn lội đường trường trong rừng, đi tìm vật báu!