Ông Trump hứng chỉ trích vì 'khoe' với Triều Tiên

TP - Vị tổng thống quyền lực nhất thế giới vừa có màn thể hiện mới gây kinh ngạc khi “khoe” với nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng ông có vũ khí hạt nhân “to hơn và mạnh hơn nhiều”. Thông điệp này của ông Donald Trump trở thành tiêu đề nhiều bài viết nổi bật trên báo chí khắp thế giới và vấp phải chỉ trích của nhiều chuyên gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khoe ông có nút bấm hạt nhân to hơn và mạnh hơn của lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: CNN.

"Liệu ai đó ở chế độ đói nghèo và kiệt quệ đó có thể nói cho ông ta biết rằng tôi cũng có Nút bấm hạt nhân, nhưng còn to và mạnh hơn ông ta không, mà Nút của tôi có hoạt động!”, ông Trump viết trên Twitter. Đoạn tweet này được ông Trump đăng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đọc bài phát biểu năm mới trong đó cảnh báo rằng ông luôn có nút bấm hạt nhân trên bàn làm việc.

Dẫn đến tính toán sai lầm?

Thông điệp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích và làm dấy lên câu hỏi rằng liệu nhà lãnh đạo nước Mỹ có nghĩ kỹ về sức mạnh hủy diệt kinh khủng đang nằm dưới quyền chỉ huy của ông hay không. Cách nói của ông Trump đưa ông Kim vào một cuộc đấu khẩu kiểu ăn miếng trả miếng, bài viết của CNN bình luận.

Đoạn tweet của ông Trump gây chú ý không chỉ bởi nội dung mà còn vì nó được đưa ra bởi một vị tổng thống, người đứng đầu chính phủ của quốc gia đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm hòa bình thế giới trong 70 năm qua. Sau khi Tổng thống Harry Truman quyết định tấn công 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản bằng bom nguyên tử để chấm dứt Thế chiến 2 năm 1945, một số tổng thống Mỹ khác từng kín đáo cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng trước thời ông Trump chưa có vị tổng thống Mỹ nào công khai đe dọa một cách có vẻ thích thú rằng có thể tự mình sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ với khả năng san phẳng thế giới chỉ trong vài phút.

Theo giới quan sát, cách hành xử của ông Trump càng rủi ro vì có thể khiến Mỹ mất đi các đồng minh, gây tức giận cho những cường quốc thế giới khác như Nga, Trung Quốc vì Washington cần giải quyết thế bế tắc và không ai biết được một người như ông Kim Jong-un sẽ đáp trả như thế nào.

Mèo nào cắn mỉu nào? Tranh: Emad Hajjaj (Jordan).

“Tôi nghĩ rằng trong Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ có rất nhiều lo ngại trước điều này vì ông ấy là Tổng thống Mỹ. Những đoạn tweet của ông ấy sẽ được coi là chính sách chính thức”, CNN dẫn lời đô đốc John Kirby, cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ. “Không có gì nghi ngờ rằng điều này sẽ dẫn đến tính toán sai lầm và nhầm lẫn”, ông Kirby nói. Thông điệp của ông Trump được đánh giá là sẽ làm gia tăng lo lắng ở Đông Bắc Á rằng căng thẳng gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay có thể châm ngòi cho những tính toán sai lầm dẫn tới một cuộc xung đột gây tàn phá khủng khiếp nhất trong nhiều thập kỷ.

Và cách thể hiện của Tổng thống Trump có thể cũng sẽ làm hỏng nỗ lực được đánh giá là thành công của ông trong việc thuyết phục các cường quốc thế giới đồng lòng với Mỹ trong việc triển khai những biện pháp trừng phạt nặng tay với Triều Tiên gần đây. Theo giới quan sát, cách đáp trả của ông Trump cho thấy ông đang đưa nước Mỹ từ vị thế bệ đỡ của sự ổn định và tỉnh táo trong hệ thống quốc tế thành một nhân tố gây chia rẽ và khó đoán bằng hình ảnh dễ thay đổi của chính mình.

Ông Eliot Cohen, cựu quan chức cấp cao dưới thời chính quyền George W. Bush, nói rằng cách nói của ông Trump giống “đứa trẻ 10 tuổi”, AP đưa tin. Ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức tư vấn chính sách ở Washington, nhấn mạnh rằng, chỉ trong 24 giờ, ông Trump đã dọa cắt viện trợ cho quốc gia hạt nhân Pakistan; dọa cắt viện trợ cho Palestine sau khi thay đổi chính sách của Mỹ về Jerusalem; khoe nút hạt nhân của mình to hơn của ông Kim Jong-un. “Đó là vị tổng tư lệnh của chúng ta. Hãy nghĩ về điều đó”, AP dẫn lời ông Haass.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Trump cho rằng, truyền thông đang phản ứng quá mức. Nhiều người ủng hộ ông Trump tin rằng giờ đã qua thời Mỹ phớt lờ lời lẽ của nhà lãnh đạo Triều Tiên mà phải đáp trả xứng đáng, vì các đời tổng thống Mỹ trong suốt 20 năm qua đã thất bại trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Và cách đáp trả của Tổng thống Trump với ông Kim, trong bối cảnh nội bộ của nước Mỹ, có thể khiến ông trông cứng rắn hơn trong mắt nhiều người và đó cũng là một phần tạo nên kiểu hấp dẫn chính trị riêng của ông.

Một số người ủng hộ có thể dựa vào lý thuyết “người điên” - nghĩa là ông Trump có thể khôn khéo sử dụng tối đa lợi thế của mình bằng cách khiến Triều Tiên và các cường quốc châu Á tin rằng, ông thực sự dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Và Nhà Trắng có thể lập luận là chiêu ngoại giao cây gậy và củ cà rốt hay “trục ma quỷ” mà nhiều đời tổng thống Mỹ sử dụng để đối phó Triều Tiên đã thất bại với Bình Nhưỡng.

Triều Tiên - Hàn Quốc nối lại liên lạc

Đoạn tweet của ông Trump được đăng vài giờ sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikkey Haley khẳng định Nhà Trắng không liên quan đề xuất đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Bà nói Mỹ sẽ không coi trọng bất kỳ cuộc đối thoại nào nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Vài giờ sau đó, Triều Tiên thông báo mở lại đường dây điện thoại với Hàn Quốc vốn bị ngắt trong 2 năm qua, mở ra hy vọng quan hệ ngoại giao hai bên sắp nồng ấm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh mở đường dây điện thoại vào 3h chiều qua (giờ địa phương). Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, phía Triều Tiên đã làm đúng như thông báo. Và hai bên đã liên lạc với nhau qua điện thoại trong 20 phút. Không rõ hai bên đã nói với nhau những gì nhưng phía Hàn Quốc nói rằng, họ và Triều Tiên đã trao đổi các vấn đề kỹ thuật liên quan đường dây liên lạc. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ đang chờ cuộc điện thoại thứ hai từ Triều Tiên vì có khả năng Triều Tiên sẽ gọi lại trong giờ làm việc, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin.

Hai bên đạt được bước đột phá này chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chủ động chìa cành ô liu với Hàn Quốc trong bài phát biểu năm mới, trong đó ông Kim nói rằng những cuộc thảo luận về việc cử đoàn vận động viên dự Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc nên bắt đầu “càng sớm càng tốt”. Những bước đi chủ động của Triều Tiên được giới phân tích đánh giá là chiêu gây chia rẽ Mỹ và Hàn Quốc.