Năm 1969, sau một hành trình dài trên đoàn tàu hỏa rung lắc từ thủ đô Bắc Kinh tới vùng tây bắc Trung Quốc để tham gia phong trào “cùng trèo lên núi, cùng xuống nông thôn”, cậu thiếu niên 16 tuổi Tập Cận Bình xuống tàu, bước lên chiếc xe tải rỉ sét chạy tưng tưng trên các cung đường núi ngoằn ngoèo như rắn lượn. Cuối cùng, cậu cũng đến được Cao nguyên Hoàng Thổ, gia nhập đội sản xuất làng Lương Gia Hà ở tỉnh Thiểm Tây.
Đời sống ở Lương Gia Hà thời đó được mô tả ngắn gọn mà đủ ý là “toàn đất”. Sống trong các hang khoét sâu trong lòng đất (đồi núi), ngủ trên giường làm bằng đất sét, làm việc trên các luống đất (đồng ruộng). Đời sống rất khó khăn, hàng tháng trời bữa ăn không có nổi một miếng thịt. Khi màn đêm buông xuống trên Cao nguyên Hoàng Thổ, cả làng cũng tối om vì chưa có điện, trong khi người dân tắt đèn dầu, đi ngủ sớm sau một ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên cánh đồng. Nhưng với cậu thiếu niên họ Tập, tình hình có sự khác biệt. Trong đêm khuya thanh vắng, hang đất của cậu leo lét ánh đèn dầu.
Từ Bắc Kinh, cậu mang theo một hộp màu nâu, bên trong chật ních sách đến tận miệng hộp. Ông Shi Chunyang, cư dân làng Lương Gia Hà, kể: “Cậu ấy vào làng mang theo một hộp đầy sách. Chiếc hộp màu nâu”. Dân làng ai cũng phải công nhận cậu là mọt sách, thường xuyên vùi đầu trên những cuốn sách dày cộm, dù đang ăn hay đang chăn cừu. “Trong phòng mình, cậu cứ đọc, đọc mãi, qua nửa đêm tới rạng sáng. Sáng hôm sau, lỗ mũi cậu đen sì vì muội đèn bám”, ông Shi kể.
Mê Goethe, Marx, Shakespeare…
Thời đó, đám thanh thiếu niên thành phố về nông thôn rất chuộng văn học. Trong số này có một cựu học sinh của Trường Trung học Bắc Kinh số 57; cậu này sở hữu một cuốn “Faust” (Phaoxtơ) của đại văn hào, triết gia Đức Johann Wolfgang Goethe. Từ lâu, thiếu niên Tập Cận Bình đã rất muốn đọc “Faust” nhưng chưa tìm được. Thấy tác phẩm yêu thích hiện trong tầm với, cậu quyết định đi bộ 15 km tới chỗ chủ nhân cuốn sách để hỏi mượn. Mượn được rồi, cậu không thể đặt cuốn “Faust” xuống, đọc nghiến ngấu, đọc đi đọc lại, không muốn trả lại.
Tuy nhiên, chủ nhân cuốn sách càng ngày càng sốt ruột, nhờ hết người này đến người khác đòi Tập Cận Bình trả lại. Cuối cùng, cựu học sinh Trường Trung học Bắc Kinh số 57 đích thân cuốc bộ 15 km để đến chỗ Tập Cận Bình đòi sách. Chủ nhân cuốn sách rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cậu thiếu niên họ Tập mang một đĩa trứng tráng ra mời. Bà Liu Jinlian, người dân làng Lương Gia Hà, kể: “Hồi đó khổ nhất là không có đủ cái ăn. Không có bát rau luộc, bụng đói cồn cào, khó ngủ lắm”. Thời ấy, miếng bánh ngô hoặc nắm hạt bo bo đã được coi là đồ ăn đãi khách quý. Còn trứng tráng thì đúng là món xa xỉ. Món trứng tráng đã thuyết phục được chủ nhân cuốn “Faust” cho Tập Cận Bình mượn thêm thời gian nữa. Nhưng một thời gian sau, chủ nhân cuốn sách lại đến đòi và thiếu niên họ Tập lại tráng trứng mời. Tổng cộng, cậu 3 lần làm món trứng tráng đãi chủ nhân cuốn sách.
Trong hang đất hằng đêm, Tập Cận Bình mải mê đọc sách và thường xuyên ghi chép. Khi đọc cuốn “Das Kapital” (Tư bản luận) của Karl Marx, cậu ghi chú đầy 18 quyển vở. Cậu cũng thường mân mê các tác phẩm của đại văn hào Anh William Shakespeare như “Giấc mộng đêm hè”, “Hamlet”, “Macbeth”… Cậu say mê với những kết thúc bất ngờ trong các vở kịch của Shakespeare. Với cậu, sách mở ra một thế giới vô tận với những mộng mơ, khao khát và đam mê cháy bỏng. Trong bảy năm ở Lương Gia Hà, thiếu niên họ Tập đã lớn lên, trở thành một thanh niên với nhiều hoạt động mới, nhưng cậu vẫn đam mê đọc sách và thói quen này đã giúp cậu trở thành một người như ngày nay.
Ông Tập Cận Bình từng nói: Học tập là nấc thang dẫn tới sự tiến bộ, chúng ta là những người cộng sản Trung Quốc dựa vào việc học để đạt được thành tựu, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục làm thế trong tương lai. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra năm 2017, ông Tập phát biểu: “Chúng ta cần phải học giỏi. Chúng ta sẽ thúc đẩy không khí học tập sôi nổi và thực hành trong Đảng và xây dựng Đảng ta thành một đảng học tập chủ nghĩa Marx. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng tình yêu học tập trong nhân dân”.
Ngày 23/10, ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.